Vẽ Khối Cầu Chỉ Trong 4 Nốt Nhạc

VẼ KHỐI CẦU NHƯ THẾ NÀO CHO ĐÚNG LUÔN LÀ VẤN ĐỀ KHÁ “HACK NÃO” ĐỐI VỚI CÁC BẠN MỚI BẮT ĐẦU HỌC VẼ.

Cách dựng hình khối cầu sao cho “chuẩn” bây giờ?

Cách đánh bóng nữa? Phải đánh bóng khối cầu kiểu gì mới đúng, mới giúp khối trở nên cong tròn?

Khối cầu và khối lập phương là 2 khối rất quan trọng, bởi vì đây là 2 khối cơ bản tạo thành cấu trúc của bất kỳ vật thể nào trong cuộc sống này. Chỉ có thể hiểu về khối cầu thực sự thì việc vẽ khối cầu đối với các bạn mới trở nên dễ dàng được.

Đó là lý do PICS muốn thực hiện bài viết “Cách Vẽ Khối Cầu” này để hỗ trợ thêm một chút kiến thức cho các bạn mới học, giúp các bạn thực hành “trơn tru” hơn ngay từ giai đoạn đầu tiên lúc mới bắt tay vào việc vẽ vời.

Đừng bỏ lỡ: “Cách Vẽ Khối Lập Phương”.

Không để các bạn chờ lâu nữa, chúng ta bắt đầu thôi!!!

Tác giả bài viết hướng dẫn: Họa sỹ Nguyễn Hoàng Long

CÁCH VẼ KHỐI CẦU PICS STUDIO

Đã là dân vẽ, ai chẳng trải qua một thời bị khối cầu hành cho “lên bờ xuống ruộng” phải không?

Cách dựng hình khối cầu như thế nào?

Không phải dùng compa xoay một phát là xong đâu! THỦNG GIẤY VẼ LÀ CHẾT ĐÓ.

Để dựng hình khối cầu có rất nhiều cách, cách mà PICS sắp hướng dẫn cho các bạn chỉ là một trong những cách dựng hình cơ bản thôi. Nếu có cách nào khác tốt hơn, nhanh hơn cách mà PICS hướng dẫn, các bạn hãy comment cho mọi người cùng biết ở phần “Bình Luận” phía dưới bài viết này nha.

Cách vẽ khối cầu theo nguyên tắc chia điểm.

Như các bạn thấy trong hình vẽ PICS hướng dẫn, chỉ toàn là chia điểm trong hình vuông thôi. Chia điểm ra làm đôi xong bo tròn lại cho khéo một tí là thành khối cầu hoàn chỉnh, ez game :))

Làm sao xác định sáng – tối cho khối cầu?

Cái gây khó khăn cho chúng ta là “Hướng sáng sẽ đến từ đâu???”

  • Các bạn nên nhớ một điều rằng, ánh sáng tự nhiên (mặt trời) sẽ luôn luôn chiếu từ trên cao chiếu thẳng xuống. Cái này thì rất dễ hiểu thôi!
  • Phần còn lại là ánh sáng sẽ đến từ hướng nào? Ánh sáng trực diện, hay tạt ngang, hay nghiêng 3/4? Cái này các bạn bắt buộc phải quan sát trên mẫu. Lưu ý là do khối cầu là khối có bề mặt cong tròn, PICS khuyên các bạn nên nheo mắt lại nhìn mẫu để xác định sáng – tối dễ hơn.

Bên dưới là một số hướng sáng cơ bản và ánh sáng tương ứng PICS ví dụ cho các bạn dễ hình dung nè!

MỘT SỐ NGUỒN SÁNG CƠ BẢN TRONG VẼ KHỐI CẦU

Cách vẽ sáng tối trên khối cầu có bấy nhiêu đó, các bạn đã nắm được sơ sơ rồi phải không?

Khi đã hiểu rồi thì các bạn phác họa hai phần sáng – tối ra như PICS hướng dẫn. Để tránh bị trường hợp phác sai ranh giới sáng – tối, các bạn nên vẽ một mũi tên nhỏ tượng trưng cho hướng sáng đến từ đâu giống như trong hình minh họa.

Độ cong và độ lớn của mặt tối các bạn phải kết hợp vừa nắm kiến thức vừa nhìn vào thực tế để phác nhé.

Đánh bóng khối cầu có cần phải phân diện cho nó không?

Dĩ nhiên câu trả lời sẽ là… CÓ.

Khối nào cũng vậy thôi, khi vẽ đều phải phân diện hết. Không những thế, còn phải cố gắng phân diện cho kĩ nữa đó.

Việc phân diện tốt sẽ giúp các bạn vẽ chắc khối hơn và đánh bóng sẽ đúng diện tích, hạn chế bị sai hình. Lúc phân diện các bạn đừng phác quá mạnh tay, chỉ cần phác nét nhè nhẹ đủ thấy là ok rồi.

Một số lưu ý khi phân diện khối cầu:

  • Trục dọc & trục ngang khối cầu là 2 đường cong chứ không phải là đường thẳng (vì khối cầu có bề mặt cong tròn).
  • Nơi ánh sáng đập vào khối cầu đầu tiên đó chính là mặt sáng. Trong đó, độ lớn của mặt sáng ta tự cho, các bạn phác họa ĐỪNG LỚN QUÁ hoặc ĐỪNG NHỎ QUÁ là được.
  • Khi đã có diện tích mặt tối và mặt sáng rồi thì các diện tích còn lại chính là mặt mờ. Trong đó, các bạn phác họa sao cho bài vẽ có TỐI THIỂU 3 MẶT MỜ là được (nếu các bạn phác ra càng nhiều mặt mờ thì khối cầu khi vẽ sẽ càng chuyển độ êm ái nhẹ nhàng, nhưng PICS thấy không cần thiết lắm).
  • Khoảng giữa trục dọc & trục ngang là 2 trục phụ chạy xuyên qua tâm khối cầu và nối qua điểm trục phụ bên kia, dĩ nhiên trục phụ của chúng ta cũng sẽ là đường cong luôn. Mục đích xuất hiện của trục phụ là để chia nhỏ diện tích mặt mờ và mặt tối, giúp bạn đánh bóng dễ thở hơn trong trường hợp lỡ vẽ khối cầu to quá.

Hướng dẫn đánh bóng khối cầu.

Video Ms. Thiên Nữ Băng Nhi hướng dẫn trực tiếp đánh bóng khối cầu cho các bạn dễ hình dung đây.

Trong video có phụ đề giải thích nữa, các bạn nhớ bật phụ đề lên xem nha.

Bước 1

BƯỚC 8 CÁCH VẼ KHỐI CẦU

  • Sau khi phân diện xong, ở bước này các bạn chỉ cần sử dụng chì HB/2B để tạo khoảng 2-3 lớp sắc độ cho phần tối và phần sáng tách nhau ra rõ ràng là đủ rồi, không cần phải quá đậm.
  • Chú ý vẽ nền ngay từ bước đầu luôn để dễ theo dõi tương quan sắc độ giữa hình và nền.

Bước 2

BƯỚC 9 CÁCH VẼ KHỐI CẦU

  • Trong bước 2 các bạn sử dụng chì 4B để tăng đậm cho phần tối theo nguyên tắc “gần rõ – xa mờ”.
  • Vì 4B là chì mềm nên các bạn chú ý phải chuốt chì liên tục để giữ cho chì nhọn, tránh sử dụng chì cùn để vẽ sẽ khiến bài vẽ dễ bị “bết”.
  • Trong phần tối diện nào gần mặt bàn sẽ có phản quang mạnh hơn những diện xa mặt bàn.

Bước 3

BƯỚC 10 CÁCH VẼ KHỐI CẦU

  • Mặt mờ càng gần sáng sẽ càng nhạt. Khi vẽ mặt mờ các bạn chỉ cần sử dụng chì từ HB đến B là đủ, hoặc sử dụng chì 2B cũng được nhưng nên để ý kiểm soát sắc độ bằng cách để bài vẽ ra xa liên tục, nheo mắt lại quan sát. Tránh trường hợp vẽ mặt mờ đậm quá lố, đậm bằng phần tối.
  • Để chuyển độ từ tối sang mờ, các bạn nên đánh nét dài lan từ tối sang mờ.

Bước 4

BƯỚC 11 CÁCH VẼ KHỐI CẦU

  • Tăng đậm phần mặt tường để quan sát xem phần tối đánh bóng có đều tay chưa? Sắc độ có bị loang lổ hay chưa đủ độ không?
  • Ở bước này phải luôn luôn phải nheo mắt lại, để bài vẽ ra xa để nhìn, đồng thời chuốt chì nhọn liên tục để chuyển độ giữa các phần sáng – mờ – tối sao cho êm nhất có thể.

BƯỚC 11-1 CÁCH VẼ KHỐI CẦU

Đây là bài vẽ hoàn chỉnh, mọi người có thể tham khảo.