Review Các Loại Bút Chì

CHẮC HẲN CÁC BẠN BAN ĐẦU MỚI HỌC VẼ ĐỀU RẤT BĂN KHOĂN, KHI BƯỚC VÀO CỬA HÀNG HỌA CỤ ĐỂ CHỌN CHO MÌNH CÂY BÚT CHÌ ĐẦU TIÊN.

Mới học thì nên mua bút chì nào nhỉ? Quá nhiều hãng luôn nè!

Rồi giá cả như thế nào? Chất lượng cây chì ấy ra sao?…

Cùng hàng tá câu hỏi khác mà PICS không biết hết nữa.

Đó là lí do PICS viết bài “Review Các Loại Bút Chì” ngày hôm nay. Giờ chúng ta sẽ bắt đầu tìm hiểu nha!

Vậy thì, câu hỏi đầu tiên, tại sao chúng ta lại nên chọn chất liệu chì mà không phải là một chất liệu khác?

Học vẽ thi khối V- V1 tại PICS Studio 2.

Học vẽ thi khối V- V1 tại PICS Studio 2.

Hình ảnh lớp vẽ hình họa chì tại PICS Studio.

  • Lý do thứ nhất tại sao chúng ta chọn bút chì để vẽ bởi vì ngay từ khi còn bé, bút chì là vật dụng đầu tiên chúng ta được cầm trên tay để vẽ, để tập viết… Sau này quen thuộc rồi, cứ nghĩ đến vẽ đầu tiên ta sẽ nghĩ ngay đến bút chì.
  • Thứ hai là vì chì là một chất liệu rẻ, và dễ sử dụng hơn nhiều so với các chất liệu khác như màu nước, phấn, sơn dầu…
    Kỹ thuật vẽ chì về mặt cơ bản không nhiều và cũng không khó để tập luyện. Nếu được hướng dẫn đúng cách chỉ cần vài-giờ-đồng-hồ là bạn đã có thể nắm được khái quát kỹ thuật vẽ bút chì (dĩ nhiên, nắm kiến thức là một chuyện nhưng để vẽ đẹp thì phải cần đến sự rèn luyện).
  • Thứ ba, bút chì phổ biến và rất dễ mua, bạn có thể ra bất kỳ cửa tiệm văn phòng phẩm hay nhà sách, thậm chí siêu thị là đã có thể mua được một cây chì rồi.

Vấn đề ở đây là bút chì thì dễ mua, nhưng bản thân bút chì có rất nhiều loại các bạn à, điều đó khiến các bạn thấy rối rắm vô cùng khi đứng trước cửa hàng phải không nào? PICS sẽ tổng hợp một số loại chì phổ biến được sử-dụng-để-vẽ cho các bạn biết nghen.

Bút chì KOH-I-NOOR HARDTMUTH

  • Bút chì KOH-I-NOOR xuất xứ Tiệp Khắc, vì thế bút chì này còn được gọi một cái tên khác là chì Tiệp. Bây giờ Tiệp Khắc là Cộng Hòa Séc, nhưng bao thế hệ họa sỹ ở Việt Nam sử dụng vẫn quen miệng gọi là chì Tiệp. Ngày nay chì này còn được gọi một cái tên ngắn gọn và phổ biến hơn nữa đó là chì KOH.

BÚT CHÌ KOH

Hình ảnh bút chì KOH.

Bút chì STAEDTLER

  • Bút chì STAEDTLER xuất xứ Đức. Đây là loại bút chì được sản xuất bởi một công ty chuyên về các sản phẩm vẽ kỹ thuật, có tên là Staedtler Mars GmbH & Co. KG (tên dài quá, các bạn cứ gọi tắt là Staedtler đi cho gọn nha). Do là công ty chuyên sản xuất các sản phẩm về vẽ kỹ thuật cho nên đây là cây chì rất quen thuộc đối với dân làm kỹ thuật, ví dụ như kiến trúc sư, kỹ sư thiết kế…

BÚT CHÌ STAEDTLER

 

Hình ảnh bút chì STAEDTLER.

Bút chì COLLEEN

  • Bút chì phổ biến thứ ba là chì Colleen đến từ xứ sở Chùa Vàng Thái Lan (các bạn ngạc nhiên không nè?). Việc hãng sản xuất cho ra đời 60 triệu cây chì mỗi năm và phần lớn chúng được xuất khẩu tại các thị trường Châu Âu và Đông Nam Á cũng đủ cho ta thấy chúng được ưa chuộng đến thế nào rồi hen.

BÚT CHÌ COLLEEN

Hình ảnh bút chì Colleen.

Bút chì MITSUBISHI

  • Đến từ một trong những quốc gia có nhiều họa sỹ truyện tranh nhất thế giới – Nhật Bản. Chì được sản xuất bởi hãng Mitsubishi Pencil Company Limited với tuổi đời rất lâu (cây chì đầu tiên được sản xuất vào năm 1887), là cây chì mà PICS luôn luôn có sẵn một cây trong hộp bút. Lý do vì sao thì lát nữa PICS sẽ nói tiếp ngay ở phần bên dưới nhé.

BÚT CHÌ MITSUBISHI

Hình ảnh bút chì Mitsubishi.

Dĩ nhiên là còn nhiều loại chì khác nữa, nhưng PICS chỉ nêu ví dụ các cây chì mà PICS thấy là phổ biến nhất, quan sát từ các đàn anh, đàn chị, đàn em, đồng nghiệp, học trò… đang học và đang làm việc trong ngành nghệ thuật sáng tạo thôi nha. Nếu có các gợi ý khác, các bạn hãy giúp PICS bổ sung thêm bằng cách bình luận ở bên dưới cho PICS biết với nhé!!!

Giờ sẽ đến phần quan trọng nhất đó là review về các loại bút chì mà PICS đã nêu, các bạn theo dõi tiếp nhé.

PICS làm một cái bảng so sánh cho các bạn dễ xem nhé:

Tên Bút Chì Giá Cả (2019) Độ Đậm Tối Đa Màu Của Bột Chì Độ Cứng / Mềm Chất Lượng Vỏ Gỗ
KOH-I-NOOR 9-10k/cây 8B màu xám đen cứng trung bình
STAEDTLER 15-18k/cây 9B màu đen mềm tốt
COLLEEN 3-5k/cây 6B màu xám đen hơi mềm trung bình
MITSUBISHI 15-18k/cây 6B màu đen mềm tốt

Nhận xét của PICS về các loại chì này:

Tên Bút Chì Nhược điểm Ưu Điểm
KOH-I-NOOR
  • lõi cứng
  • vỏ chất lượng trung bình nên khi chuốt dễ bị tróc từng mảng
  • vỏ gỗ hình lục giác có các cạnh bị mài tròn nên cầm bị trơn
  • màu bột chì là màu xám, muốn thành đen phải tăng độ nhiều
  • nhiều hàng nhái
  • giá trung bình
  • độ đậm cao bù lại cho việc bột chì màu xám
  • tẩy xóa dễ dàng
  • do lõi cứng nên chì lâu mòn, rất phù hợp cho bạn nào mới học vẽ thích đan nét và phác họa nét
STAEDTLER
  • giá hơi cao so với học sinh
  • lõi không quá mềm cũng không quá cứng nhưng:
    – lõi hơi giòn dễ bị tổn thương, sơ ý làm rơi là gãy từng đoạn bên trong
    – mau mòn chì
  • vỏ gỗ hình lục giác cũng có các cạnh bị mài tròn giống KOH nên hơi trơn
  • tẩy xóa khó
  • không phù hợp cho các bạn mới học
  • vỏ chắc chắn, khiến cho việc chuốt nhọn trở lại rất nhanh
  • độ đậm tối đa cao và chất lượng tốt nên HB, 2B chì này đậm ngang 4B, 5B các chì còn lại
  • đây là bút chì xuất thân từ công ty sản xuất sản phẩm vẽ kỹ thuật nên không khó hiểu khi được dân thiết kế sử dụng rất nhiều
  • chì này rất đa năng, phù hợp cho việc vẽ nhiều thể loại từ ký họa cho tới tả thực, vẽ nét cho đến lên đậm nhạt
COLLEEN
  • lõi mềm nhưng lại hơi bở nên thường không ăn chì trên các loại giấy trơn
  • vỏ gỗ chất lượng trung bình cũng giống KOH nên khi chuốt dễ bị tróc từng mảng
  • vỏ gỗ hình lục giác cũng có các cạnh bị mài tròn giống KOH và STAEDTLER nên gặp tình trạng tương tự
  • mau mòn chì nên phải chuốt liên tục
  • bột chì màu xám nên phải mạnh dạn tăng độ nhiều
  • bột chì không đậm trong khi độ đậm tối đa quá thấp nên khó sử dụng
  • giá siêu rẻ
  • tuy lõi mềm, vỏ gỗ trung bình nhưng lại được cái chắc chắn, làm rơi lõi không bị đứt đoạn từng khúc bên trong (hay thế cơ chứ!)
  • các bạn học vẽ được một thời gian có thể trải nghiệm chì COLLEEN coi như bước đệm trước khi sử dụng các loại chì mắc hơn như MITSUBISHI hay STAEDTLER
  • rất phù hợp để đi ký họa ngoài trời, nồi đồng cối đá, vẽ mảng lớn không cần đan nét nhiều
MITSUBISHI
  • giá hơi cao so với học sinh
  • độ đậm tối đa thấp
  • bột chì cảm giác như có dầu, tẩy xóa hơi khó
  • tẩy xóa rất khó
  • lõi rất mềm nhưng lại không bở
  • bột chì đen đậm, khi vẽ cảm giác khá xốp trên mặt giấy nên nếu không cẩn thận là bị “lì bài vẽ” ngay
  • độ đậm tối đa thấp nhưng bù lại bột chì lên độ khá đậm, 6B MITSUBISHI ngang 8B STAEDTLER
  • vỏ gỗ hình lục giác nhưng các cạnh lại được mài ít hơn giúp gia tăng cảm giác cầm nắm chắc chắn, không bị lỡ tuột tay
  • rất phù hợp cho việc vẽ nghiên cứu hình họa và vẽ những mảng rất đậm

Kết luận:

Đối với các bạn mới học nên ưu tiên mua và sử dụng các loại bút chì được PICS review theo thứ tự sau (đứng trước là được ưu tiên nhất):

  1. Bút chì KOH-I-NOOR
  2. Bút chì COLLEEN
  3. Bút chì STAEDTLER
  4. Bút chì MITSUBISHI

Song song với việc viết bài cho các bạn đọc, PICS cũng có làm video về “Review Các Loại Bút Chì” rồi, các bạn có thể xem video để tận mắt đánh giá nhé!

Các bạn thấy PICS review bút chì thế nào?

Nếu bạn nào có hứng thú với việc vẽ chì thì khóa học “Vẽ Chân Dung” đã sẵn sàng chờ các bạn khám phá tại ĐÂY