SINH VIÊN NGÀNH KIẾN TRÚC – THIẾT KẾ SẮP RA TRƯỜNG CẦN LƯU Ý NHỮNG ĐIỀU GÌ

Theo quy luật tự nhiên, ai cũng phải trưởng thành theo thời gian: còn bé thì ăn – chơi, lớn lên thì ăn – học, lớn hơn nữa thì làm ăn rồi lập gia đình.

Quãng đời sinh viên thì lại rơi ngay vào giai đoạn nằm giữa sự non nớt và trưởng thành đó, cho nên việc các bạn lúng túng để rồi vấp ngã trước những “sóng gió của cuộc đời” là điều hoàn toàn không thể tránh khỏi. Tin PICS đi! Đỉnh điểm của một trong những sóng gió đó sẽ là giai đoạn lúc các bạn đi thực tập – sắp tốt nghiệp ra trường.

“Chọn công ty nào? Phải chuẩn bị gì trước khi đi làm? Phải xử lý các mối quan hệ ở công sở ra sao?”

… Cùng hàng tá những câu hỏi khác chưa có ai giải đáp đã dẫn đến những cú vấp đau điếng trong hành trang vào đời của các bạn. Và đó cũng chính là lí do PICS chia sẻ những kinh nghiệm mà mình đã gặp phải ngay bên dưới đây để giúp các bạn sinh viên các ngành kiến trúc – thiết kế trước khi đi làm cần nằm lòng để tránh đưa mình vào tầm ngắm của những kẻ bắt nạt nơi công sở. OK, chúng ta cùng bắt đầu thôi!

NGHIÊN CỨU KỸ VỀ CÔNG TY TRƯỚC KHI APPLY

HÌNH MINH HỌA 1 SINH VIÊN NGÀNH KIẾN TRÚC - THIẾT KẾ SẮP RA TRƯỜNG CẦN LƯU Ý NHỮNG ĐIỀU GÌ

Điều đầu tiên là điều mà các bạn sinh viên ngành kiến trúc – thiết kế thường không để ý.

Các bạn nên biết, việc tìm hiểu kỹ những thông tin của công ty mà các bạn đang nhắm tới trên website hoặc fanpage trước khi chọn công ty đấy để làm việc, là một việc làm hoàn toàn đúng đắn và cần thiết. Qua đó, các bạn sẽ tự chuẩn bị cho bản thân mình có một góc nhìn toàn diện hơn về công ty ấy trước khi lựa chọn xin việc tại đây.

Ngoài ra, các bạn cũng nên tham khảo những đánh giá từ những người khác trên các group hay website review về công ty để xem mức độ uy tín của công ty đó đến đâu? Có vấn đề gì trong nội bộ công ty đó hay không? Sau đó mới nên đưa ra quyết định cuối cùng.

Nên chọn những công ty nào có nền tảng phát triển tốt, chế độ đãi ngộ và lương thưởng rõ ràng.

LƯU Ý: Tránh xa những công ty có đánh giá không tốt và có chế độ đãi ngộ lương thưởng mập mờ, vì trong tình huống xấu nhất, các bạn có thể là nạn nhân của sự thiếu minh bạch đó.

CẨN THẬN CÁC CÔNG TY KHÔNG CÓ NHÂN VIÊN CHÍNH THỨC

Đây là vấn đề thực sự có tồn tại ở một số công ty.

CÓ THỂ BẠN KHÔNG BIẾT? Nhưng trong những công ty này, họ có một chiêu thức lặp đi lặp lại, đó là tuyển dụng rất nhiều thực tập sinh nhưng trong nội bộ công ty lại không hề có đến một nhân viên chính thức, cũng như không có một phòng ban cụ thể nào cả mà mọi thứ lại khá mơ hồ (chỉ có ban lãnh đạo).

Đặc biệt, những công ty này lại thường thay đổi lứa nhân sự mới tầm 3 đến 4 tháng/lần và gần như chẳng bao giờ có ai gắn bó lâu dài.

Qua đó lộ rõ một vấn đề rất lớn trong nội bộ công ty và điều này chứng tỏ chế độ đãi ngộ của công ty không tốt. Những sinh viên mới vào đời đa số chưa biết gì và rất dễ bị dẫn dắt bởi những người cầm đầu “cáo già”, những nhân vật trong bộ máy chủ chốt của công ty.

LƯU Ý: Thực tập sinh là đối tượng chưa được bảo vệ về quyền lợi lao động. Do đó nếu thấy doanh nghiệp nào như vậy, chỉ có một lời khuyên duy nhất dành cho các bạn đó là, HÃY BỎ NGAY LẬP TỨC!

TRÁNH XA NHỮNG CÔNG TY THỰC TẬP KHÔNG LƯƠNG NHÉ CÁC BẠN SINH VIÊN NGÀNH KIẾN TRÚC – THIẾT KẾ

HÌNH MINH HỌA 6 SINH VIÊN NGÀNH KIẾN TRÚC - THIẾT KẾ SẮP RA TRƯỜNG CẦN LƯU Ý NHỮNG ĐIỀU GÌ

Theo luật lao động, doanh nghiệp không bắt buộc phải trả lương cho thực tập sinh.

Thời gian thực tập dài nhất là 2 tháng. Trong thời gian đó, rất nhiều công ty đã tận dụng sức lao động của các bạn để phục vụ cho mục đích của mình rồi vịn vào cớ này để không trả lương cho các bạn đi thực tập. Các sinh viên ngành kiến trúc – thiết kế đặc biệt thường hay được nhận câu trả lời như “thời gian em học việc là thời gian em đang được học free từ công ty, em không có quyền đòi hỏi về lương hay hỗ trợ”.

Cần làm cho ra lẽ việc này, thời gian học việc tại công ty là thời gian vừa học vừa làm, ít nhiều công sức của các bạn cũng sẽ có thành quả và thành quả đó cũng sẽ đóng góp vào kết quả chung của công ty. Vì vậy, nếu không phải là các doanh nghiệp hay tổ chức có tiếng, đừng tốn thời gian làm việc tại những công ty kiểu này.

LƯU Ý: Hãy chọn những công ty có mức lương hỗ trợ cơ bản tầm từ 1tr-1tr5 trở lên để có thể đảm bảo tự trang trải tiền đi lại và chi phí cơ bản của bản thân.

KHI PHỎNG VẤN, BẠN BUỘC PHẢI THỎA THUẬN CHẾ ĐỘ ĐÃI NGỘ RÕ RÀNG

HÌNH MINH HỌA 3 SINH VIÊN NGÀNH KIẾN TRÚC - THIẾT KẾ SẮP RA TRƯỜNG CẦN LƯU Ý NHỮNG ĐIỀU GÌ

Nếu cảm thấy không ổn, hay không phù hợp với luật pháp hiện hành, các bạn có thể bỏ ngay.

Vấn đề này hay đi đôi với vấn đề bên trên, nạn nhân thường là các bạn sinh viên ngành kiến trúc. Cụ thể là khi các bạn sinh viên kiến trúc của chúng ta có nhiều tài lẻ (tổ chức sự kiện, design, dựng phim,…), nhiều công ty thấy được điều đó và sẽ ép các bạn phải làm nếu các bạn là người duy nhất trong tổ chức  có những kỹ năng này (và tất nhiên họ sẽ nghĩ đây là việc để cống hiến cho công ty, vì thế nên nó free và các bạn không được trả một đồng nào cả).

Vì vậy để tránh bị lợi dụng, hãy deal giá trực tiếp.

LƯU Ý: Tránh tình trạng đã nhận làm rồi nhưng về sau đòi quyền lợi, vì lúc này phía công ty có thể tìm đủ mọi cách để từ chối trả thù lao cho các bạn.

SINH VIÊN NGÀNH KIẾN TRÚC – THIẾT KẾ CẦN HIỂU LUẬT LAO ĐỘNG ĐỂ ÁP DỤNG VÀ BẢO VỆ QUYỀN LỢI CỦA MÌNH

HÌNH MINH HỌA 2 SINH VIÊN NGÀNH KIẾN TRÚC - THIẾT KẾ SẮP RA TRƯỜNG CẦN LƯU Ý NHỮNG ĐIỀU GÌ

Tất cả các bạn sinh viên ngành kiến trúc, thiết kế đều còn rất non nớt không biết được điều này!

Số giờ làm việc của công nhân viên chức Việt Nam là 8 tiếng 1 ngày.

Việc bắt nhân viên làm overtime (làm thêm giờ) là trái quy định của pháp luật và:

Nếu overtime phải được tính lương riêng cho việc làm overtime.

Mức lương tối thiểu trong thời gian thử việc là 85% lương chính thức, mức lương chính thức > mức lương tối thiểu vùng, ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh thì mức lương tối thiểu vùng đó là 4.420.000 đồng (các bạn có thể tra cứu mức lương tối thiểu vùng của cả nước năm 2020 tại ĐÂY)

Doanh nghiệp không được phép giữ văn bằng, chứng chỉ gốc, tiền mặt hoặc tài sản của người lao động. Nếu có công ty nào như vậy thì chạy ngay đi trước khi mọi chuyện tồi tệ hơn!

LƯU Ý: Các bạn nên tìm hiểu trước về Luật Lao động và đọc thật kĩ điều khoản trong bản Hợp đồng trước khi đặt bút kí nhé! Vì với xã hội hiện nay, tình trạng lách luật là điều chắc chắn sẽ có. Phòng bệnh tất nhiên vẫn hơn chữa bệnh!

NÊN GIẤY TRẮNG MỰC ĐEN

HÌNH MINH HỌA 5 SINH VIÊN NGÀNH KIẾN TRÚC - THIẾT KẾ SẮP RA TRƯỜNG CẦN LƯU Ý NHỮNG ĐIỀU GÌ

Các bạn khi đi làm nên tập cho mình một tác phong chuyên nghiệp như khi xử lý bất kỳ một công việc nào, phải gửi 1 email xác nhận lại những gì mình đã nói hay đã được yêu cầu làm như một cách ghi dấu trên Google và 1 bằng chứng cần thiết khi có chuyện phát sinh.

Tuyệt đối không được chỉ trao đổi bằng miệng mà không có bất kỳ một văn bản hay chứng từ nào chứng tỏ rằng công việc đó đã từng xảy ra.

Đặc điểm chung của các bạn sinh viên mới ra trường là rất ngại đề cập đến chuyện tiền bạc, lương thưởng hay giấy tờ giao dịch. Có thể trong quá trình đi học các bạn va chạm xã hội còn ít; hoặc do các bạn “nể” công ty, muốn để cho công ty tự hiểu, tự nhận ra và tự thực hiện hành động “bù đắp” cho các bạn…

Nhưng sự thật phũ phàng là sẽ chẳng có công ty nào tốt đến vậy cả đâu, đó là lý do nên có giấy trắng mực đen hoặc bằng chứng rõ ràng về mức phí tính riêng hoặc lương phụ cho những mảng này để các bạn về sau không bị thiệt thòi.

LƯU Ý: Nếu không được chấp thuận, nên từ chối nhận những việc này dưới mọi hình thức.

VÀ CÁI CUỐI CÙNG, CÁC BẠN SINH VIÊN NGÀNH KIẾN TRÚC – THIẾT KẾ LƯU Ý: HÃY KHIÊM TỐN VÀ THẲNG THẮN VỚI CÔNG TY TRÊN NGUYÊN TẮC TÔN TRỌNG LẪN NHAU

HÌNH MINH HỌA 7 SINH VIÊN NGÀNH KIẾN TRÚC - THIẾT KẾ SẮP RA TRƯỜNG CẦN LƯU Ý NHỮNG ĐIỀU GÌ

Khi đã tìm hiểu kỹ và hoàn tất các thỏa thuận trước khi bước chân vào công ty, các bạn phải tâm niệm rằng: việc của các bạn đến đây là gì? Là học tập lấy kiến thức thực tế và trao đổi kinh nghiệm. Các bạn hãy nhớ lấy và hãy tập trung làm tốt điều đó!

Khi có vấn đề xảy ra trong công việc:

Hãy khiêm tốn để công việc của chính bạn và của công ty được trôi chảy, thuận lợi.

Các bạn là nhân viên và các bạn đang đi làm, chứ không phải cố gầy dựng bản thân mình thành “trung tâm của sự chú ý”. Công việc thì có lúc thành công, có lúc thất bại. Khi thành công, đừng quá tự hào về một việc gì đó mà mình đã làm được, đó lại chính là lúc các bạn dễ chủ quan và bộc lộ nhiều khuyết điểm nhất. Khi thất bại, các bạn cũng không nên đổ lỗi mà hãy thừa nhận sai sót của bản thân để rút kinh nghiệm, sau đó tìm cách khắc phục và cố gắng hết mình cho những công việc tiếp theo.

LƯU Ý: Có những công việc cần phải thử mới biết được sức mình đến đâu. Nhưng cũng có những công việc các bạn đã cố hết sức ở thời điểm hiện tại nhưng vẫn thất bại. Đó là lúc các bạn cần phải vượt qua sĩ diện và cái tôi của bản thân để thừa nhận sự thất bại của mình!

KẾT LUẬN

Muốn làm sếp, hãy tập làm nhân viên trước đã. Ai cũng muốn làm một điều gì đó lớn lao, nhưng lại không nhận ra rằng, cuộc sống lại bắt đầu từ những điều rất nhỏ. Xây nhà phải xây từ móng xây lên, và trước khi muốn trở thành 1 nhân viên tốt, hãy là 1 người tử tế với đức tính khiêm tốn, ham học hỏi, thẳng thắn và tôn trọng. Chúc các bạn tỉnh táo và không mắc những sai lầm như trên!