Tiếng Lóng Trong Vẽ Mỹ Thuật

MỘT SỐ TIẾNG LÓNG PHỔ BIẾN TRONG NGÀNH VẼ MỸ THUẬT MÀ CÁC BẠN NÊN BIẾT.

Đã bao giờ các bạn gặp trường hợp nói chuyện vẽ vời với nhau mà mọi người nhìn chúng ta ngơ ngác chưa? PICS thì có rồi đấy.

PICS để ý thấy khi dân vẽ chúng ta gặp nhau, rất hay nói chuyện với nhau bằng những tiếng lóng mà chỉ có dân vẽ mới hiểu khiến cho những người ngoài cuộc cứ mắt tròn mắt dẹt nhìn chúng ta mà không hiểu gì cả.

Các bạn mới học cũng vậy, ngày đầu bỡ ngỡ đi học vẽ, gặp các “ma cũ” trao đổi với nhau về việc vẽ vời mà chúng ta không hiểu gì hết, cộng với việc thầy cô của các bạn cũng vô tư nói mà quên không giải thích cho các bạn. Điều đó sẽ dễ dẫn đến trường hợp bạn cảm thấy chán nản khi đối mặt với những khó khăn trong thời gian đầu đi học vẽ vì không tiếp thu được những kiến thức được truyền đạt.

Đó là lý do PICS dành bài viết “TIẾNG LÓNG TRONG VẼ” này cho các bạn, những người mới học, những người bạn ngoài ngành mỹ thuật!

Lưu ý:

  • Trong bài viết này PICS chỉ đề cập đến những tiếng lóng của tiếng Việt thôi chứ không có tiếng Anh đâu nhé.
  • Hình nào nhỏ quá không thấy chữ, các bạn chịu khó zoom to màn hình lên nghen.
  • Để tra cứu từ mà các bạn đang thắc mắc một cách nhanh nhất, hãy xem trong phần MỤC LỤC ở đầu bài viết nhé.

TIẾNG LÓNG TRONG VẼ MỸ THUẬT – PHẦN CHUẨN BỊ DỤNG CỤ

3. CHUỐT NHỮNG ĐƯỜNG DÀI

CHUỐT CHÌ:

là thao tác sử dụng dao để làm cho chì trở nên nhọn lên, phục vụ cho mục đích của người chuốt (ở đây là vẽ). Lưu ý: trong vẽ mỹ thuật chúng ta không sử dụng đồ chuốt mà dùng dao, các bạn nhớ nhé!

ĐỪNG BỎ LỠ: “5 Phút Hướng Dẫn Gọt Bút Chì Dành Cho Người Mới”

2. MÀI CHÌ - TIẾNG LÓNG TRONG VẼ

MÀI CHÌ:

là hành động sử dụng dao (phải, lại là sử dụng dao :D) để vót “bổ sung” vào phần ruột chì giúp chì nhọn hơn nữa. Lưu ý: chì nhọn và dao thực sự rất nguy hiểm, các bạn không nên giỡn với nhau bằng hai thứ này nha! :))

3. CẮT GÔM - TIẾNG LÓNG TRONG VẼ

CẮT GÔM:

cắt gôm cũng giống như gọt chì vậy, để thao tác các kỹ thuật vẽ một cách dễ dàng, gôm cần phải được cắt ra. Mục đích của việc cắt gôm là để tạo hình cho nó có 2 góc: 1 góc nhọn và 1 góc vuông. Góc nhọn dùng để tẩy xóa các chi tiết nhỏ, góc vuông để tẩy xóa các phần còn lại. Lưu ý: gôm mòn là phải cắt lại ngay chứ không nên sử dụng hoài đâu nhé!

1. HƯỚNG DẪN CẦM QUE ĐO 1

QUE ĐO:

là vật trung gian dùng để xác định chiều cao và chiều ngang của đối tượng cần vẽ. Que đo có thể là căm xe đạp, que cá viên chiên, hay thậm chí là một cây bút… Nhưng PICS khuyên các bạn nên tìm cái que nào hội tụ đủ: dài – mỏng – bền, đáp ứng các tiêu chí đó PICS thấy chỉ có căm xe đạp là phù hợp nhất.

ĐỪNG BỎ LỠ: “Hướng Dẫn Đo Tỉ Lệ Khi Vẽ”

GIẤY CANSON VÂN NGANG

GIẤY CANSON:

là giấy thường được các trường có tổ chức thi vẽ khối V – V1 sử dụng cho các thí sinh thi môn vẽ mỹ thuật đầu vào. Lưu ý: giấy có một mặt trơn, một mặt nhám (có vân).

ĐỪNG BỎ LỠ: “Học Vẽ Chì Thi Khối V – V1 Cần Mua Những Dụng Cụ Gì?”

6. GIẤY BÃI BẰNG - TIẾNG LÓNG TRONG VẼ

GIẤY BÃI BẰNG:

là giấy thường được các trường có tổ chức thi vẽ khối H sử dụng cho các thí sinh thi môn vẽ mỹ thuật đầu vào. Lưu ý: giấy rất mỏng, không có vân, hoàn toàn trơn cả hai mặt nên vẽ khó ăn chì.

TIẾNG LÓNG TRONG VẼ MỸ THUẬT – PHẦN KỸ THUẬT DỰNG HÌNH

7. BỐ CỤC - TIẾNG LÓNG TRONG VẼ

BỐ CỤC:

không phải là “một-cục-to-tổ-bố” đâu nhé các bạn :)) Bố cục là cách sắp xếp một hay nhiều đối tượng trong một không gian cụ thể sao cho hài hòa và hợp lý, thể hiện rõ được ý tưởng của tác giả.

Phổ biến nhất là “Tỉ Lệ Vàng” (Golden Ratio) và “Quy Luật Chia 3” (Rule Of Thirds).

Bức tranh kế bên PICS vẽ bằng màu bột về chủ đề “Tình Cảm Gia Đình” năm 2017 có sử dụng “quy luật chia 3” đó các bạn!

8. HÌNH HỌA - TIẾNG LÓNG TRONG VẼ

HÌNH HỌA:

là kỹ năng tạo hình dựa trên cơ sở nghiên cứu về luật xa gần và cơ thể học, nhằm thể hiện tính chân thực của sự vật, hiện tượng dưới nhận thức thẩm mỹ của họa sĩ thông qua hoạt động nghiên cứu các hình mẫu trong tự nhiên. Lưu ý: vị trí của hình họa trong hội họa là rất quan trọng, chỉ đứng sau bố cục.

6. TƯ THẾ NGỒI ĐO TỶ LỆ CHUẨN MỰC

ĐO TỈ LỆ:

là kỹ thuật sử dụng một vật trung gian để so sánh các tỉ lệ chiều cao và chiều ngang với nhau nhằm tìm ra độ lớn của chúng để phục vụ cho mục đích của người đo (ở đây là vẽ).

ĐỪNG BỎ LỠ: “Hướng Dẫn Đo Tỉ Lệ Khi Vẽ”

6. TÌM ĐỘ NGHIÊNG CẠNH XIÊN CÁCH 2

DÓNG TRỤC:

là kỹ thuật xác định độ nghiêng của đối tượng cần vẽ bằng cách rà que đo vào độ nghiêng của mẫu cho khớp, sau đó từ từ hạ tay xuống đưa vô bài vẽ. Lưu ý: kỹ năng dóng trục đòi hỏi phải nhắm 1 mắt lại nên các bạn bị cận thị sẽ gặp khó khăn một chút trong quá trình tập luyện.

ĐỪNG BỎ LỠ: “Cách Vẽ Khối Lập Phương (Hình Khối Căn Bản)”

4. TÌM TỶ LỆ MẶT ĐỈNH

ƯỚC LƯỢNG:

là khả năng phán đoán khoảng cách cũng như độ lớn của đối tượng cần vẽ (từng phần của đối tượng hoặc các chi tiết của đối tượng). Lưu ý: chỉ ước lượng các khoảng cách hay tỉ lệ nhỏ.

11. TRỤC DỌC TRỤC NGANG - TIẾNG LÓNG TRONG VẼ

TRỤC DỌC / TRỤC NGANG:

  • Trục dọc là trục luôn luôn thẳng đứng vuông góc với mặt đất (hay còn gọi là trục tung), dùng để xác định chiều cao của đối tượng cần vẽ.
  • Trục ngang là trục luôn luôn nằm song song với mặt đất (hay còn gọi là trục hoành), dùng để xác định chiều ngang của đối tượng cần vẽ.
13. PHỐI CẢNH 1 ĐIỂM TỤ - TIẾNG LÓNG TRONG VẼ

PHỐI CẢNH:

hay còn gọi là nguyên tắc xa gần. Dùng để tái hiện lại một không gian 3 chiều (không gian thực) lên một mặt phẳng 2 chiều (ví dụ như giấy).

14. ĐƯỜNG TẦM MẮT - TIẾNG LÓNG TRONG VẼ

ĐƯỜNG TẦM MẮT:

là nơi mà mắt người có thể nhìn thấy điểm giao nhau giữa bầu trời và mặt đất. Lưu ý: đường tầm mắt thay đổi dựa vào vị trí hướng nhìn của các bạn. Ví dụ như khi các bạn đặt một vật lên bàn:

  • Nếu các bạn đang nhìn đồ vật đó từ phía trên thì đường tầm mắt sẽ ở trên vật.
  • Nếu các bạn nhìn đồ vật từ phía dưới thì đường tầm mắt sẽ ở dưới vật.
  • Còn nếu các bạn nhìn thẳng vào đồ vật thì đường tầm mắt sẽ ở phía sau món đồ đó.
15. PHỐI CẢNH 2 ĐIỂM TỤ - TIẾNG LÓNG TRONG VẼ

ĐIỂM TỤ:

là nơi mà đối tượng bị hút vào trong không gian và biến thành một chấm nhỏ, hay có thể nói, điểm tụ sẽ xuất hiện trong đường tầm mắt của các bạn.

12. GẦN TO XA NHỎ - TIẾNG LÓNG TRONG VẼ

GẦN TO – XA NHỎ:

là quy luật rút ra được từ luật phối cảnh được các giáo viên dạy vẽ dùng để dạy cho các học viên của mình vì nó dễ nhớ :)) Cụ thể là với cùng một bộ phận hay một chi tiết nào đó thì cái nào gần các bạn hơn sẽ có kích thước lớn hơn những bộ phận hay chi tiết ở xa các bạn.

Lưu ý: quy luật này không nên áp dụng quá đà khi vẽ mỹ thuật vì sẽ gây tác dụng ngược.

9. PHÂN TÍCH CẤU TRÚC KHỐI HỘP CĂN BẢN

CẤU TRÚC KHỐI:

là sự sắp xếp và tổ chức các yếu tố hoặc cơ quan bên trong một vật cụ thể. Các bạn xem hình để dễ hình dung nhé.

17. DIỆN - TIẾNG LÓNG TRONG VẼ

DIỆN:

là mặt của một vật. Lưu ý: một mảng thường có nhiều diện. Ví dụ như hình kế bên, trong mảng tối có rất nhiều diện nên mới có những chỗ đậm hơn những chỗ khác; bên mảng sáng cũng vậy.

MẢNG:

một mảng có rất nhiều diện, có thể nói mảng là số nhiều của diện. Lưu ý: thường dùng từ mảng để nói về sắc độ như mảng sáng, mảng tối hay mảng mờ.

 

18. PHÂN DIỆN - TIẾNG LÓNG TRONG VẼ

PHÂN DIỆN:

là phương pháp phân tích và phác họa ra các mặt của một vật, thường là những vật có độ cong tròn. Việc phân diện là để giúp cho việc đánh bóng trở nên dễ dàng hơn (phân diện phải dựa trên sự hiểu biết về cấu trúc khối mới phân đúng được).

19. GIẢI PHẪU - TIẾNG LÓNG TRONG VẼ

GIẢI PHẪU:

là công việc nghiên cứu hình dạng và cấu tạo của cơ thể các sinh vật (không nhất thiết phải là con người đâu nhé các bạn).

GÓC CHÍNH DIỆN - TIẾNG LÓNG TRONG VẼ

GÓC CHÍNH DIỆN:

là góc nhìn thẳng, đối diện vào đối tượng cần vẽ.

GÓC 2 PHẦN 3 - TIẾNG LÓNG TRONG VẼ

GÓC NGHIÊNG 2/3:

là góc nghiêng về bên trái hoặc bên phải, khi nghiêng vẫn thấy được phần lớn của phần mặt bị che khuất.

BÀI VẼ CHÂN DUNG - PHỎNG VẤN THỰC TẾ SV ĐH MỸ THUẬT ANH THƯ 2

GÓC NGHIÊNG 3/4:

là góc nghiêng về bên trái hoặc bên phải, khi nghiêng chỉ còn thấy được một tí tẹo phần mặt bị che khuất.

GÓC NGHIÊNG NỬA MẶT - TIẾNG LÓNG TRONG VẼ

GÓC NGHIÊNG NỬA MẶT:

là góc chỉ thấy được phân nửa gương mặt của đối tượng cần vẽ.

TIẾNG LÓNG TRONG VẼ MỸ THUẬT – PHẦN KỸ THUẬT TẢ BÓNG

ĐAN NÉT TĂNG ĐẬM 2

ĐAN NÉT CARO:

là vẽ nhiều nét chồng lên nhau theo hướng caro để tạo nên độ đậm cho 1 diện tích cụ thể. Lưu ý: mật độ các nét phải nhiều một chút thì mới tạo độ đậm tốt được.

ĐỪNG BỎ LỠ: “10 Phút Hướng Dẫn Đan Nét Nhanh Dành Cho Người Mới Bắt Đầu”

HƯỚNG SÁNG - TIẾNG LÓNG TRONG VẼ

HƯỚNG SÁNG:

là nơi xuất hiện ánh sáng chiếu vào đối tượng cần vẽ. Lưu ý: trong môi trường tự nhiên có rất nhiều nguồn sáng cùng chiếu vào vật thể nên các bạn cần phải chọn một nguồn sáng chính để vẽ.

SÁNG TỐI LỚN - TIẾNG LÓNG TRONG VẼ

SÁNG TỐI LỚN:

các yếu tố để cấu tạo thành một bức tranh đẹp, trong đó có ánh sáng. Khi ánh sáng chiếu vào 1 vật thể sẽ chia vật thể ra làm 2 phần, gồm có:

  • phần sáng: trong phần sáng có mặt sáng, mặt mờ.
  • phần tối: trong phần tối có mặt tối, bóng đổ.

Việc của các bạn là vẽ cho 2 phần đó tách nhau ra ngay từ đầu.

Lưu ý: nhiều người hay bị nhầm lẫn mặt mờ và mặt tối là 1 nhưng thực ra không phải vậy, mặt mờ nằm trong phần sáng thì nó là một phần nhỏ của phần sáng, còn mặt tối lại là một phần nhỏ của phần tối. PICS ghi rất kỹ chỗ này nên các bạn đừng nhầm lẫn nha.

ĐỈNH KHỐI - TIẾNG LÓNG TRONG VẼ

ĐỈNH KHỐI:

trong diện tối chỗ nào trên vật thể gần các bạn nhất thì sắc độ ở đó là đậm nhất, đồng thời đó cũng là đỉnh khối đó các bạn. Lưu ý: đỉnh khối chỉ xuất hiện ở bên diện tối.

PHẢN QUANG - TIẾNG LÓNG TRONG VẼ

PHẢN QUANG:

là ánh sáng phản chiếu của môi trường xung quanh tác động ngược trở lại diện tối của vật thể (nếu có) khiến cho một phần trong diện tối của vật thể hơi sáng mờ mờ.

GẦN RÕ XA MỜ - TIẾNG LÓNG TRONG VẼ

GẦN RÕ – XA MỜ:

cũng là một quy luật rút ra được từ luật phối cảnh được các giáo viên dạy vẽ dùng để dạy cho các học viên của mình vì nó dễ nhớ :)) Cụ thể:

  • phần sáng: chỗ nào gần các bạn sẽ sáng nhất, càng ra xa càng mờ dần đi.
  • phần tối: chỗ nào gần các bạn sẽ tối nhất, càng ra xa càng mờ dần đi.
NỀN BÀN NỀN TƯỜNG - TIẾNG LÓNG TRONG VẼ

NỀN BÀN – NỀN TƯỜNG:

các bạn chịu khó nhìn hình để phân biệt nhé 😀

Lưu ý: thường thì nền tường luôn phải vẽ đậm hơn nền bàn.

DI CHÌ - TIẾNG LÓNG TRONG VẼ

DI CHÌ:

di chì ngược lại với đan nét, di chì có 2 kiểu:

  1. dùng chì để tô lên giấy
  2. dùng bột cạo ra từ ruột chì để xoa lên giấy

Nhằm tạo nên độ đậm cho một diện tích cụ thể (khác với đan nét là vẽ nhiều nét chồng lên nhau).

Lưu ý: đối với các bạn học vẽ để đi thi đại học, không nên di chì nhiều vì đa số các giáo viên chấm bài thi không thích kỹ thuật này.

TẢ CHẤT - TIẾNG LÓNG TRONG VẼ

TẢ CHẤT:

là tả ra được cảm giác chất liệu của vật mẫu, ví dụ như chất thạch cao, chất kim loại, chất nhựa, chất vải… Lưu ý: tả chất là một trong những tiêu chí khá quan trọng khi chấm điểm môn vẽ tĩnh vật, vẽ tượng, vẽ người bằng chất liệu chì.

Bức vẽ kế bên do PICS STUDIO vẽ mẫu trực tiếp vào năm 2014 bằng chất liệu chì than. Các bạn thấy PICS tả chất như thế nào nè?

VẼ TỔNG THỂ - TIẾNG LÓNG TRONG VẼ

VẼ TỔNG THỂ:

là vẽ đều hết tất cả mọi thứ trong một lượt vẽ chứ không quá tập trung vào một chỗ nhất định.

Ví dụ: lúc đi thi vẽ, khi các bạn vẽ tổng thể tốt, mặc dù hết thời gian làm bài nhưng vẽ vẫn chưa xong, bài vẽ của các bạn nhìn vẫn “đầy đủ” hơn những bài mắc phải lỗi “vẽ cục bộ”.

Lí do là khi vẽ tổng thể, các bạn có thể nhìn thấy được lỗi sai ngay lập tức để kịp thời sửa sai, đồng thời các bạn vẽ đều từng bộ phận, vì vậy nhìn bài vẽ sẽ dễ có cảm tình nhiều hơn.

VẼ CỤC BỘ - TIẾNG LÓNG TRONG VẼ

VẼ CỤC BỘ:

ngược lại với vẽ tổng thể, đây là từ dành cho các bạn có thói quen vẽ từng phần ngay từ lúc đầu.

Ví dụ: trong một cái chân dung, các bạn chỉ tập trung vẽ con mắt bên trái trước, vẽ xong long lanh rồi mới qua con mắt bên phải, vẽ xong con mắt rồi mới tới cái mũi, cái miệng…

Vẽ như vậy thì khi đi thi bị giới hạn về mặt thời gian, liệu các bạn có vẽ kịp thời gian quy định hay không đây? Kiểu vẽ này vẽ chơi ở nhà thì được.

(tranh minh họa kế bên là của artist badart.work cho bạn nào tò mò nghen)

CÁC TIẾNG LÓNG TRONG VẼ MỸ THUẬT NGOÀI LỀ KHÁC

NGŨ QUAN - TIẾNG LÓNG TRONG VẼ

NGŨ QUAN:

là từ dùng để chỉ 5 bộ phận trên khuôn mặt con người mà ta có thể nhìn thấy. Bao gồm mắt, lông mày, mũi, miệng, tai.

ĐỪNG BỎ LỠ: “Luyện Thi Vẽ Khối V – V1”

TƯỢNG VẠT MẢNG - TIẾNG LÓNG TRONG VẼ

TƯỢNG VẠT MẢNG:

là tượng được đơn giản các diện cong lại thành các diện phẳng (toàn bộ 100%) dành cho mục đích luyện vẽ.

ĐỪNG BỎ LỠ: “Hướng Dẫn Vẽ Tượng Vạt Mảng Căn Bản Góc Chính Diện”

TƯỢNG BÁN VẠT MẢNG - TIẾNG LÓNG TRONG VẼ

TƯỢNG BÁN VẠT MẢNG:

là tượng có 50% là diện phẳng, 50% là diện cong chứ không phải là diện phẳng hoàn toàn 100% để dành cho mục đích luyện vẽ.

TƯỢNG TRÒN - TIẾNG LÓNG TRONG VẼ

TƯỢNG TRÒN:

là tượng được đổ ra từ khuôn được nặn dựa theo mẫu người thật, các chi tiết khối được chăm chút kỹ, cong tròn, mềm mại. Lưu ý: tượng tròn sẽ rất khó vẽ nếu bạn nào chơi “nhảy cóc” bỏ qua bước vẽ tượng vạt mảng và bán vạt mảng à nha :))

ĐỪNG BỎ LỠ: “Luyện Thi Vẽ Khối V – V1”

ĐỈNH ĐẦU ĐỈNH SỌ - TIẾNG LÓNG TRONG VẼ

ĐỈNH ĐẦU / ĐỈNH SỌ: 

  • đỉnh đầu là vị trí cao nhất của phần đầu mà ta có thể nhìn thấy trên mẫu (bao gồm cả tóc).
  • đỉnh sọ là vị trí cao nhất của phần xương sọ, phần này ta không nhìn thấy được nên các bạn mới học phải áp dụng công thức mới xác định được vị trí này.

Lưu ý: khi vẽ chân dung người, ta luôn lấy đỉnh sọ làm mốc để đo tỉ lệ cho chuẩn chứ không nên lấy hết tỉ lệ của cả cái đầu (đã bao gồm cả tóc).

VẼ TRUYỀN THẦN - TIẾNG LÓNG TRONG VẼ

VẼ TRUYỀN THẦN:

là truyền được thần thái của người mẫu vào trong tranh, cái “thần” nằm tập trung vào ngũ quan là chính (quan trọng nhất là đôi mắt).

(tranh minh họa kế bên là của artist Emanuele Dascanio cho bạn nào tò mò nghen)

ĐỪNG BỎ LỠ: “Học Vẽ Mỹ Thuật Căn Bản”

BỘT THAN - TIẾNG LÓNG TRONG VẼ

CHÌ THAN / BỘT THAN:

là hai chất liệu phổ biến khác chỉ sau bút chì.

Lưu ý: chì than và bột than có độ đậm đậm hơn bút chì và có màu đen, khác với bút chì (nhiều hãng sản xuất bút chì khác nhau sẽ có phần ruột chì có màu khác nhau như nâu đậm, xám, chứ không hoàn toàn là màu đen). 

ĐỪNG BỎ LỠ: “Nhìn Lại Quãng Thời Gian 500 Năm Của Bút Chì”

KẺ Ô:

là một phương pháp dựng hình dựa theo mẫu có sẵn trên giấy hoặc trên máy tính, bằng cách chia bức hình ra thành nhiều ô nhỏ, mỗi ô cách nhau tầm 3 – 4cm (chia càng nhỏ dựng hình càng chính xác). Sau đó người vẽ cũng kẻ ô tương tự như vậy lên giấy vẽ rồi dựa vào đó mà phác họa lại mẫu vẽ.

VẼ TAY TRUYỀN THỐNG - TIẾNG LÓNG TRONG VẼ

VẼ TAY TRUYỀN THỐNG:

là sử dụng các công cụ truyền thống có từ xa xưa như bút chì, gôm, giấy vẽ, cọ, thước, màu… để vẽ.

ĐỪNG BỎ LỠ: “Học Vẽ Mỹ Thuật Căn Bản”

VẼ MÁY - TIẾNG LÓNG TRONG VẼ

VẼ MÁY:

là sử dụng máy tính để hỗ trợ cho việc vẽ thông qua một phần mềm vẽ chuyên dụng, phổ biến nhất là Photoshop. Công cụ vẽ có thể là chuột hay bảng vẽ đều được.

CÁC BẠN XEM BÀI VIẾT NÀY ĐỂ BIẾT VẼ MÁY NÓ TIỆN VÀ HAY NHƯ THẾ NÀO NHÉ: “Cậu Là Trái Bí Ngô Tuyệt Vời Nhất Tớ Từng Gặp..”

(tranh minh họa kế bên là của artist peterxiao cho bạn nào tò mò nghen)

CÁC BẠN CÓ THẤY PICS CÒN THIẾU “TIẾNG LÓNG TRONG VẼ” NÀO KHÔNG NÈ?