Nhìn Lại Quãng Thời Gian 500 Năm Của Bút Chì

NHÌN VÀO MỘT CÂY BÚT CHÌ CÁC BẠN SẼ NGHĨ GÌ?

Một món dụng cụ học tập?

Hay là “người bạn thân” của các anh họa sỹ, kiến trúc sư và các designer?

Hoặc bút chì chỉ đơn giản là một miếng ruột than được nhét vào trong một cái vỏ gỗ mà ai cũng đã từng cầm trên tay ít nhất một lần trong đời?

Có thể các bạn chưa biết, để trở nên nổi tiếng và phổ biến như ngày hôm nay, cây bút chì nhỏ bé của chúng ta đã phải trải qua 500 năm lịch sử hình thành và phát triển. Nghe có tò mò không nào các bạn?

Nếu câu trả lời là có, mời bạn cùng với PICS du hành ngược thời gian về vùng quê miền Bắc nước Anh để chùng ta cùng tìm hiểu nhé!

Không biết là do vô tình hay may mắn, Tạo Hóa thực sự đã ban cho con người một công cụ để viết chữ theo cách rất đơn giản: chỉ qua một thân cây bị đổ…

Vào thế kỷ 16, sét đã đánh đổ một cái cây tại miền Borrowdale, nước Anh. Và bên dưới cái thân cây bị đổ ấy, người dân địa phương đã phát hiện ra một lớp đá magmar có màu xám đen. Đó chính là than chì!

SÉT ĐÁNH ĐỔ MỘT CÁI CÂY TẠO RA THAN CHÌ TẠI BORROWDALE, NƯỚC ANH

Đây là nơi đầu tiên mà người ta đã phát hiện ra than chì – miền Borrowdale, nước Anh ở thế kỷ 16.

Nhưng vào thế kỷ 16, ngành hóa học bấy giờ vẫn còn chưa phát triển nên việc người dân địa phương thực sự không biết cái mà họ đã phát hiện thấy là gì. Tuy nhiên, họ nhanh chóng nhận ra một đặc điểm. Đó là khi vạch lên giấy, chất liệu này có một độ đậm, đậm hơn nhiều so với bút viết thông thường vào thời điểm đó (bút có từ thời La Mã).Vì vậy, họ đặt tên cho loại chất liệu này là “chì đen” (black lead). Tiếp tục, những người Anh Trung Cổ này đã chia nhỏ chất liệu bí ẩn này ra và bọc lại chúng trong những miếng giấy và quấn dây xung quanh để bán trên phố. Đó là sự ra đời của BÚT CHÌ (pencil) – có nguồn gốc từ tiếng Latin: PENCILLUM có nghĩa là “một loại bút tốt”.

CÂY BÚT CHÌ ĐẦU TIÊN

Cây bút chì đầu tiên nó như thế này! (Đây là hình ảnh được tái hiện lại dựa vào mô tả từ các văn bản cổ)

… Cho đến tạo hình đầu tiên của cây bút chì!

BÚT CHÌ ĐẦU THẾ KỶ 17

Đây là cây bút chì cổ nhất thế giới TỪNG-ĐƯỢC-TÌM-THẤY (có niên đại vào đầu thế kỷ 17).

Hiện cổ vật này đang được trưng bày tại lâu đài Faber – Castell, Nuremberg, nước Đức.

Vào thế kỷ 17, một người thợ mộc tại Keswick, nước Anh, đã đề xuất việc đặt lõi than chì vào bên trong những miếng kẹp gỗ. Cụ thể, một miếng gỗ dài hình chữ nhật sẽ được khoét rãnh vừa vặn để đặt một miếng than chì mỏng vào bên trong. Sau đó chúng được dán lại với nhau, tạo thành một cây bút có các cạnh vuông vức như hình bên trên.

Rất dễ dàng phải không các bạn? Nghe thì đơn giản vậy nhưng điều này thực sự là một sáng kiến lớn, bởi hai thanh gỗ sẽ cố định than chì chắc chắn hơn so với việc bọc than chì lại bằng giấy (vốn cần phải xé phần giấy dần dần trong quá trình sử dụng giống như bút chì xé ngày nay). Thay vào đó, người sử dụng sẽ phải dùng dao để gọt phần gỗ đi, hành động “gọt bút chì” ra đời từ đây.

Đến năm 1858, cục tẩy nằm ở phần đuôi cây bút chì mới được phát minh, còn trước đó người ta chỉ toàn sử dụng ruột bánh mì để tẩy xóa thôi!

Nhưng đó chưa phải là cái kết

BỘT THAN CHÌ

Bột được nghiền từ than chì.

Ngoài việc than chì được dùng để viết, người ta còn phát hiện ra thứ hỗn hợp carbon này còn được dùng làm nguyên liệu sản xuất đạn súng đại bác nên không lâu sau khi được phát hiện, chính phủ Anh đã kiểm soát hoàn toàn mỏ khai thác than chì ở Borrowdale và nghiêm cấm triệt để việc mua bán than chì. Đến năm 1752, chính phủ Anh ban hành một đạo luật, coi hành vi trộm cắp than chì là trọng tội và sẽ bị tử hình!

Mặc dù than chì không chỉ được tìm thấy tại Anh mà còn được phát hiện ở nhiều nước khác của Châu Âu nhưng chất lượng than chì tại các mỏ của nước Anh vẫn được xếp vào loại tốt nhất trên thế giới. Cho đến cuối thế kỷ 18, độ “hot” của bút chì đã giảm, bút chì dần trở thành một công cụ căn bản để phục vụ nhu cầu viết và vẽ, khác với những cây bút máy sử-dụng-mực luôn được đánh giá cao về độ bền và tính sang trọng.

Ngoài ra, các hãng bút chì chỉ còn gọi bút chì là “lead” chứ không còn là “black lead” như trước. Điều này dễ gây nhầm lẫn vì khiến cho người sử dụng nghĩ rằng bút chì sẽ có chứa kim loại “chì” bên trong mặc dù chúng chẳng liên quan gì tới kim loại cả. Mãi cho đến thế kỷ 19, người ta mới bắt đầu dùng tên gọi “graphite” để nói về cây bút chì – có nguồn gốc từ tiếng Latin là GRAPHEIN có nghĩa là “để viết”.

Sự ra đời của bút chì hiện đại

Tiếp tục câu chuyện của những mỏ than chì tại Anh. Năm 1793, Anh xảy ra chiến tranh với Pháp (chiến tranh Anh – Pháp), và vào giai đoạn đầu của cuộc chiến, nước Anh đã áp đặt lệnh cấm vận lên nước Pháp, đồng nghĩa với việc một số lượng lớn than chì cung cấp cho Pháp sẽ hoàn toàn biến mất do Pháp là một trong những nước nhập khẩu bút chì lớn của Anh.

Trước sự việc đó, một bá tước người Pháp là Lazare Carnot đã chỉ định cho chỉ huy quân đội, đồng thời cũng là một nhà khoa học, họa sỹ Nicolas Jacques Conté mau mau nhanh chóng tìm ra giải pháp.

CHÂN DUNG ÔNG NICOLAS JACQUES CONTÉ

Hãy nghiêng mình biết ơn ông Nicolas Jacques Conté, vì nếu không có ông, chúng ta giờ này vẫn còn xài bút chì kẹp bằng hai-que-gỗ đó các bạn!

Vào thời điểm đó, ông Conté còn đang bận bịu với dự án phát triển khinh khí cầu phục vụ cho mục đích quân sự của quân đội (lý do mà ông mất một con mắt là vì vụ này). Sau khi nhận lệnh từ ngài bá tước Lazare Carnot, Conté đã gác dự án phát triển khinh khí cầu sang một bên và bắt đầu tìm cách nghiên cứu sản xuất bút chì. Và… ông đã làm được thật! Dựa vào hai loại nguyên liệu chính là than chì và đất sét.

Cụ thể cách làm bút của ông Nicolas Jacques Conté

Nôm na là thế này, ông đã trộn chúng với nước. Và đặt chúng vào một cái khuôn vuông vức, sau đó đưa vào lò nung để làm chúng cứng lại.

Qua thử nghiệm, Conté nhận thấy rằng ông có thể điều chỉnh độ đậm nhạt của nét bút bằng cách thay đổi lượng đất sét trong hỗn hợp. Càng nhiều đất sét thì bút chì càng cứng và nét bút càng nhạt khi viết lên giấy. Ngược lại, càng ít đất sét thì bút chì càng mềm và nét bút cũng đậm hơn. Để đặt ruột bút vào trong gỗ, Conté đã khoét một đường rãnh dọc theo chiều dài của que gỗ thay vì bổ dọc ra thành 2 phần như người Anh đã làm. Sau đó, ruột chì của bút sẽ được dán vào bên trong đường rãnh và một mảnh gỗ khác sẽ được dán lên trên thân bút.

CÁCH CHẾ TẠO BÚT CHÌ

Các bạn có thể hình dung cách làm bút chì của ông Conté nó như thế này.

Quy trình thật sự nó sẽ như hình bên dưới đây:

QUY TRÌNH SẢN XUẤT BÚT CHÌ

Không biết bạn có biết không? Cây bút chì kinh điển của Conté đã được cấp bằng sáng chế vào năm 1795, chỉ hai năm sau khi ông nhận được lệnh của ngài bá tước. Cách làm chỉ có thế nhưng cho đến tận bây giờ, chúng ta vẫn đang tiếp tục sử dụng cây chì được sản xuất dựa vào quy trình của ông Conté trên khắp thế giới đó.

Ông Conté chỉ là người phát minh ra bút chì hiện đại, nhưng người hoàn thiện kỹ thuật sản xuất bút lại là… một nhà văn

BÚT CHÌ HIỆU CONTÉ

Có cả một hãng bút chì hiệu Conté luôn nhé các bạn! Về chất lượng, theo PICS là hoàn hảo nhất trong tất cả các loại bút chì PICS từng sử dụng.

Công thức pha trộn đất sét vào hỗn hợp than chì và nước của Conté là một bí mật thực sự. Có lẽ vì vậy mà các công ty sản xuất bút chì ở Châu Âu hoàn toàn không thể sao chép được, cho nên họ đã tìm cách thay thế nó.

Sự nổi tiếng của chì Conté đã lan khắp Châu Âu đến mức lọt cả vào tai người Mỹ và ở bên kia bờ Đại Tây Dương, họ cũng đã bắt đầu nghiên cứu về hỗn hợp than chì này.

Nổi tiếng nhất phải kể đến là dòng họ Thoreau, ông Henry David Thoreau đã sáng tạo ra ruột bút chì được làm từ hỗn hợp than chì với sáp cây bayberry (bayberry là cây thanh mai nha mấy bạn) và sáp cá nhà táng. Vào năm 1821, gia tộc Thoreau đã thành lập một hãng bút chì mang tên họ tại Concord, bang Massachusetts, nước Mỹ.

Trước khi theo đuổi sự nghiệp văn chương thì cả tuổi trẻ của Henry David Thoreau đã dành hết cho việc làm bút chì cùng với cha của mình. Có một thời gian ông cũng tham gia vào việc điều hành kinh doanh cùng với gia đình cho tới năm 1830.

XƯỞNG SẢN XUẤT BÚT CHÌ CỦA DÒNG HỌ THOREAU

Hình minh họa xưởng sản xuất bút chì của gia tộc Thoreau tại Concord, bang Massachusetts, nước Mỹ.

Bút chì của hãng Thoreau là một trong những loại bút chì tốt nhất của nước Mỹ vào thời điểm đó, tuy chất lượng thì không bằng chì Conté.

MỘT HỘP BÚT CHÌ CỦA HÃNG J. THOREAU & COMPANY

Hình ảnh hộp bút chì thời đó của hãng J. Thoreau & Company.

Câu chuyện cải tiến kỹ thuật sản xuất bút chì của Henry David Thoreau…

Năm 1821, lúc vừa tốt nghiệp đại học Harvard khi còn là thanh niên, Henry Thoreau cùng anh trai mở một trường dạy ngữ pháp và song song đó, ông nghiên cứu kỹ thuật sản xuất bút chì của gia đình cho-vui như là một cách để giết-thời-gian. Theo các nhà sử học thì Henry Thoreau gần như không-biết-một-kiến-thức-gì về kỹ thuật làm bút chì của Conté nhưng có thể ông đã có tham khảo qua những tài liệu được ghi chép lại trong sách bách khoa toàn thư của Đại học Harvad để rồi sau đó, ông đã tìm được cách dùng sáp thực vật và động vật thay thế cho đất sét để làm ruột bút chì. Nhờ vậy, việc kinh doanh của gia đình ông đã rất phát triển cho đến năm 1840.

CHÂN DUNG HENRY DAVID THOREAU

Chân dung ngài Henry Thoreau của chúng ta. Không có ông, chúng ta sẽ phải mua chì được gia-công-bằng-tay với giá rất cao rồi!

Sau khi trở thành nhà văn nổi tiếng, thỉnh thoảng ông cũng vẫn quay lại để tham gia vào công việc kinh doanh của gia đình vì cần tiền. Giai đoạn này ông lại tiếp tục sáng tạo ra một thiết bị có thể khoan một cái lỗ dọc suốt thân cây để đặt ruột than chì vào và phát triển máy nghiền than chì nhằm tăng tốc độ sản xuất.

Câu chuyện của Henry Thoreau khép lại và thời kỳ của ngành công nghiệp triệu đô bắt đầu

Câu chuyện của Thoreau đã chứng minh về việc nhà văn cũng có thể tham gia phát minh mà nó còn có tác động không nhỏ tới sự trưởng thành của ngành công nghiệp bút chì từ đầu tới giữa thế kỷ 19.

Sự phổ biến của công thức trộn sáng tạo bởi Conté ngày càng lan rộng khắp thế giới trong khoảng giữa đến cuối thế kỷ 19 trùng hợp với sự trỗi dậy của những cỗ máy. Máy móc có thể dễ dàng tạo ra thân bút từ gỗ theo dạng hình tròn trơn hoặc theo hình lục giác. Không chỉ các hãng lớn mà bây giờ các công ty nhỏ cũng mua máy móc về để sản xuất bút chì. Ngành công nghiệp than chì bùng nổ và theo các nhà sử học, nó đã trở thành ngành công nghiệp có giá trị hàng triệu đô la vào thời điểm bấy giờ.

FABER CASTELL TẠI NUREMBERG, NƯỚC ĐỨC

Ngoài hai hãng sản xuất bút chì mà bài viết đã đề cập từ đầu là Conté (Pháp) và Thoreau (Mỹ), cũng có nhiều công ty khác tại Đức và Mỹ bắt đầu nổi lên như những thế lực lớn trong lịch sử của bút chì. Có thể kể đến những cái tên mà các bạn sẽ thấy rất quen thuộc như:

  • FABER – CASTELL (ĐỨC)
  • STAEDTLER (ĐỨC)
  • JOSEPH DIXON CRUCIBLE COMPANY (MỸ)

CÁC SẢN PHẨM BÚT CHÌ CỦA HÃNG DIXON

Không biết bạn biết chưa? Nhưng vào những năm 70 của thế kỷ 19, doanh số sản xuất bút chì của Dixon lên tới 80.000 cây/ngày.

Chưa kể hãng sản xuất này còn quy định, nếu một cây bút chì bị mất đi vào cuối ngày làm việc, tất cả các nhân viên trong phòng đó sẽ bị sa thải. Khắt khe kinh khủng!!!

Sự ra đời của bút chì bấm

POSTER QUẢNG CÁO CHO BÚT CHÌ BẤM EVERSHARP

Đây là poster giới thiệu sản phẩm bút chì bấm đầu tiên trên thế giới do một thợ rèn người Nhật phát minh ra – ông Tokuji Hayakawa.

Thực ra trong giai đoạn cực thịnh của bút chì vào thế kỷ 18, các hãng bút chì đã tạo nên những “công cụ giữ chì” rồi. Nhưng thời ấy thì các công cụ này đều được làm bằng kim loại, có khi là cả vàng và bạc nên trọng lượng rất nặng và cồng kềnh, khiến cho việc phổ biến rộng rãi là điều không thể.

Để rồi vào năm 1915, một thợ rèn người Nhật là Tokuji Hayakawa đã phát minh ra cái gọi là “bút chì máy luôn nhọn” (Ever-Ready Sharp mechanical pencil) hoặc đơn giản hơn là bút chì Eversharp. Đó là một cây bút chì nhỏ gọn như bút chì gỗ bình thường và bên trong là phần ruột chì than nằm một cách gọn gàng. Muốn đẩy ruột chì ra, chúng ta chỉ cần xoay phần thân cây bút. Thiết kế này đã nhanh chóng lan rộng khắp thế giới. Và thật bất ngờ, Hayakawa chính là người đã sáng lập ra tập đoàn Sharp sau thành công từ cây bút chì của ông.

CHÂN DUNG NGƯỜI LÀM RA BÚT CHÌ BẤM TOKUJI HAYAKAWA

Chân dung ông Tokuji Hayakawa.

Review “đập hộp” chì EVERSHARP cho các bạn xem chơi nè :))

Đây là hộp gỗ chứa bút chì, nhìn đơn giản nhưng rất thanh lịch.

HỘP GỖ BÚT CHÌ BẤM EVERSHARP

MỞ HỘP GỖ BÚT CHÌ BẤM EVERSHARP

 

Ấn tượng đầu tiên có thể thấy là toàn bộ phần thân chì, phần nắp và phần kẹp để móc vào áo được phủ toàn bộ bằng đường vân xoắn ốc. Dọc theo những đường vân là dòng chữ “Platinum Japan 0.5”.

BÊN TRONG HỘP GỖ BÚT CHÌ BẤM EVERSHARP

PHẦN THÂN BÚT CHÌ BẤM EVERSHARPPHẦN MÓC VÀO ÁO BÚT CHÌ BẤM EVERSHARP

 

Phần đầu chì 0.5mm có thể nâng cao phần ruột bằng cách vặn nắp. 

PHẦN ĐẦU BÚT CHÌ BẤM EVERSHARP

 

Phần vặn nằm ở phần thân, tại thấy có chỗ để bắt ốc vào đấy. Nghe nói bút chì cầm để viết rất trơn tru, khá đằm do phần ốc ở dưới đuôi có tác dụng cân bằng cây chì khá tốt.

PHẦN ĐUÔI BÚT CHÌ BẤM EVERSHARP

 

Hình ảnh toàn bộ của cây chì, lại một minh chứng nữa cho ta thấy, kể cả là một thợ rèn cũng có thể tham gia vào việc phát minh bút chì.

HÌNH ẢNH TOÀN BỘ BÚT CHÌ BẤM EVERSHARP

Sự ra đời của cục tẩy nho nhỏ phía đuôi cây chì

Quay lại giai đoạn một thế kỷ trước khi Conté sáng chế nên công thức làm bút chì của riêng ông. Vào lúc đó ở nước Anh có một vị công tước tên là Joseph Priestly đã khám phá ra: nhựa cao su tự nhiên khi cọ xát vào giấy sẽ có tác dụng tẩy được vết bút chì với hiệu quả cao hơn dùng ruột bánh mì. Priestly gọi miếng nhựa cao su tự nhiên của ông là “rubber” – và sau này nó trở thành “eraser” cho đến ngày nay đó các bạn.

Nối tiếp điều này, vào năm 1858, một người bán văn phòng phẩm ở Philadelphia tên Hymen Lipman đã trở thành người đầu tiên dán mẩu nhựa cao su tự nhiên đó vào phần đuôi của cây bút chì. Ông nhanh chóng đi đăng ký cấp bằng sáng chế cho thiết kế này nhưng không lâu sau đó, cụ thể là vào năm 1875, tòa án đã ra phán quyết bác bỏ tính hợp lệ của bằng sáng chế bởi tòa án lập luận rằng, bút chì và tẩy không cần phải đính kèm vào nhau mới xài được.

Sau khi bằng sáng chế không còn hiệu lực, việc gắn tẩy vào đuôi bút chì đã trở thành một phong trào trong lĩnh vực kinh doanh bút chì ở Mỹ cho đến ngày nay.

CÁC LOẠI BÚT CHÌ

Phần kết

Đấy, chúng ta vừa kết thúc chuyến du hành 500 năm của cây bút chì, dụng cụ viết chữ đơn giản nhưng cực kỳ phổ biến trên khắp thế giới. Đơn thuần ban đầu chỉ là một khám phá tình cờ dưới một gốc cây đổ với khả năng vạch lên giấy được, cho tới việc tìm cách đưa nó vào nhà, mang nó đi dễ dàng hơn, trộn nó với những thứ khác và cho tới ngày nay, bút chì vẫn là vật dụng gần như không thể thiếu đối với rất nhiều ngành nghề khác nhau, từ một cậu bé tập tành viết chữ tới các nhà văn, nhà khoa học nổi tiếng. Cây bút chì gần như đi theo bàn tay chúng ta đến cuối đời các bạn à!