[PHỎNG VẤN] Phải Có Tư Duy Mới Trụ Nổi Với Nghề Thiết Kế

TẠI SAO PHẢI CÓ TƯ DUY MỚI TRỤ NỔI VỚI NGHỀ THIẾT KẾ???

Ngành Thiết Kế Đồ Họa tại Việt Nam đã xuất hiện từ lâu và đang dần trở thành một xu hướng dựa trên nhu cầu phát triển của xã hội ngày nay.

Nhưng làm thế nào để “tồn tại” trong ngành sau khi ra trường vẫn là câu hỏi luôn được rất nhiều bạn thí sinh quan tâm.

Chúng ta sẽ đến với buổi phỏng vấn bạn Dương Ngọc Diễm Quỳnh, hiện đang là sinh viên ngành Thiết Kế Đồ Họa năm thứ ba của trường đại học Mỹ Thuật TPHCM (2019) để nghe bạn Quỳnh chia sẻ “Tại sao phải có tư duy mới trụ nổi với nghề thiết kế” nha!

DƯƠNG NGỌC DIỄM QUỲNH PHẢI CÓ TƯ DUY MỚI TRỤ NỔI VỚI NGHỀ THIẾT KẾ 2

“Để cạnh tranh trong ngành mình luôn phải thủ sẵn tư duy trải nghiệm để học hỏi” – Dương Ngọc Diễm Quỳnh

Facebook cá nhân: https://www.facebook.com/duong.quinn

Chào Quỳnh, bạn hãy tự giới thiệu bản thân cho mọi người biết với nhé.

  • Chào mọi người! Mình là Dương Ngọc Diễm Quỳnh, năm nay mình 20 tuổi đến từ TPHCM, hiện mình đang là sinh viên năm 3 ngành Thiết Kế Đồ Họa (TKĐH) của trường đại học Mỹ Thuật TPHCM (2019).
  • Ngành TKĐH mà mình đang học (graphic design) chủ yếu thiên về bên in ấn truyền thống, cụ thể là thiết kế ra những cái “hình phẳng” mang tính ứng dụng cao bằng cách sử dụng sức mạnh đồ họa của máy vi tính để có thể in ra được trên các tạp chí, bao bì.
  • Nhiều bạn bị nhầm ngành TKĐH thành ngành đồ họa đa phương tiện (multimedia), vốn thiên về kỹ thuật quay và dựng phim, sử dụng sức mạnh của đồ họa máy tính để thực hiện những hành động mang tính chuyển động trong điện ảnh, kỹ xảo các loại… Hai ngành này vốn khác nhau!

Hiện trên địa bàn TPHCM cũng có nhiều trường đào tạo ngành TKĐH, vậy Quỳnh thấy ngành TKĐH của trường đh mỹ thuật có đặc trưng gì khác so với các trường khác hay không?

  • Đầu tiên mình sẽ nói về cái ưu điểm đặc trưng nhất của trường đại học Mỹ Thuậtđó là được vẽ tay nhiều.
  • Các bạn vào trường sẽ được vẽ tay nhiều lắm, nguyên một học kỳ 1 của năm 1 chủ yếu là vẽ tay luôn. Qua các năm sau thì số lượng các buổi vẽ tay sẽ giảm dần, nhưng vẫn là nhiều so với các trường khác cũng có đào tạo ngành TKĐH. Chưa kể trong 2 năm đầu các bạn sinh viên giống như mình sẽ được trường tổ chức cho đi thực tế để vẽ ký họa giúp nâng cao kỹ năng vẽ tay để phục vụ cho công việc sau này.
  • Mình cũng có bạn đang học các trường khác có đào tạo ngành này như đại học Văn Lang và đại học RMIT. Ngành TKĐH bên đại học Văn Lang theo chủ quan của mình thì mình thấy chương trình đào tạo cũng giống như bên Mỹ Thuật nhưng vẽ tay thì chắc là không nhiều như bên Mỹ Thuật rồi (cười). Còn bên RMIT thì mình thấy có vẻ như chương trình học nó hiện đại hơn, bám sát nhu cầu tuyển dụng thực tế của xã hội hơn là bên đại học Mỹ Thuật.
  • Có thể các bạn chưa biết? Nhưng ngành TKĐH bên đại học RMIT ngay từ năm đầu sẽ được chia nhóm để cùng thực hiện các dự án thực tế thông qua các công ty thiết kế có liên kết với trường đại học RMIT.

Nét đẹp của phố cổ Hội An qua tranh ký họa màu nước dưới con mắt nghệ thuật của bạn Diễm Quỳnh.

TRANH TĨNH VẬT MÀU NƯỚC DƯƠNG NGỌC DIỄM QUỲNH PHẢI CÓ TƯ DUY MỚI TRỤ NỔI VỚI NGHỀ THIẾT KẾ Đại học Mỹ Thuật chú trọng vẽ tay nhiều.

Đây là một trong số những bức tranh tĩnh vật màu nước bạn Diễm Quỳnh được vẽ trong trường.

Wow, nghe hấp dẫn quá hen. Theo như PICS nghĩ thì hằng năm có cả ngàn sinh viên ngành TKĐH ra trường. Với sự cạnh tranh dữ dội như vậy thì theo Quỳnh phải làm gì mới có thể sống sót ngoài xã hội?

  • Theo mình nghĩ thì điều quan trọng nhất có thể giúp mình sống sót trong ngành này sau khi ra trường là phải trau dồi kỹ năng làm việc thực tế, cũng như nên mở mang các mối quan hệ trong ngành nhiều hơn.
  • Ngoài ra do môi trường cạnh tranh cao quá, cộng với việc xã hội thay đổi nhanh một cách chóng mặt nên mình luôn thủ sẵn tư duy phải học hỏi và cập nhật thông tin cũng như các kiến thức mới, lúc đó mới có cơ hội xin được việc làm trong cái ngành này.

Vừa rồi Quỳnh có nhắc tới việc phải luôn trau dồi kỹ năng nghề nghiệp mới có thể cạnh tranh nổi trong xã hội ngày nay, Quỳnh có thể chia sẻ thêm với mọi người, việc trau dồi đó là trau dồi cái gì không?

  • Mình thấy quan trọng nhất chính là tư duy của mình (tư duy thiết kế). Thực sự thì kỹ năng sử dụng các công cụ thiết kế nó không quan trọng bằng cái cách mà các bạn tư duy. Mình cho rằng việc học các phần mềm thiết kế như AI hay Photoshop nó không khó, ai cũng có thể học được nhưng cái tư duy về thiết kế thì không phải ai cũng tư duy được đâu nhé.
  • Có tư duy thiết kế sẽ giúp mình sáng tạo ra được những cái độc, lạ. Kiểu giống như tự tạo cho bản thân mình một cái “điểm nhấn” vậy.
  • Để có tư duy thiết kế, cá nhân mình nghĩ mình phải trải nghiệm nhiều chứ không phải chỉ biết mỗi việc học. Vấn đề ở đây là trải nghiệm nhiều là trải nghiệm cái gì? Đối với Quỳnh, trải nghiệm nhiều tức là nhìn, quan sát, suy nghĩ, rồi đặt câu hỏi. Do đó, việc trải nghiệm nhiều bắt buộc mình phải mở mang kiến thức để có nhiều góc nhìn khác nhau, song song với việc học sẽ hệ thống lại kiến thức, đó có thể coi là vitamin, dinh dưỡng nuôi sống sự sáng tạo.
BÀI 72 Ý TƯỞNG CHỦ ĐỀ CÁI LA BÀN DƯƠNG NGỌC DIỄM QUỲNH Đây là bài học chuyên ngành “72 ý tưởng thiết kế”

“Bài này (72 ý tưởng) mình chọn chủ đề là cái la bàn bởi vì nó cũng liên quan 1 phần đến tính cách của mình. Mình thích đi du lịch, đi chơi, nhưng mình lại không giỏi nhớ đường nên mình suy nghĩ là làm về 1 cái gì đó có thể giúp mình biết đường đạt tới mục đích của mình”

Cám ơn những chia sẻ rất hay và chân thật của Quỳnh. Bây giờ PICS xin hỏi vài câu mang tính cá nhân một chút, sau này tốt nghiệp xong Quỳnh đã có dự định gì chưa?

  • Bản thân mình rất thích màu sắc và những thứ dễ thương nên chắc sau này, khoảng 80% (cười) là mình sẽ theo đuổi công việc về họa sỹ minh họa 2D.
  • Mình thấy công việc vẽ tranh minh họa ngày nay tại Việt Nam đang rất là phát triển, đối với mình thì minh họa nó không chỉ là việc vẽ lại một câu chuyện có sẵn một cách đơn thuần mà nó còn có thể ứng dụng được trong nhiều trường hợp khác nữa.

Một bộ truyện dành cho thiếu nhi bạn Diễm Quỳnh tự sáng tác và vẽ minh họa luôn nè. Cute quá trời quá đất à!!!

“Chuyện kể về một con quái vật tên là Joe, sĩ diện muốn đi dọa người khác để chứng minh là nó đáng sợ nhưng cuối cùng lại bị tưởng là tiên răng tại vì nhìn nó dễ thương quá, được tưởng là tiên răng nên nó được cho ăn ngon mặc đẹp, nó quyết định đổi nghề làm tiên răng luôn ♥♥♥” – bạn Diễm Quỳnh kể.

Bộ truyện đã được chuyển thể thành series phim hoạt hình nhiều tập dành cho thiếu nhi rồi nha các bạn!

Series mang tên “Pet and Bugs”, hứa hẹn sẽ là một bộ phim gây sức hút rất lớn đối với các bé thiếu nhi đó.

Quỳnh mê minh họa thế vậy sau này nếu có cơ hội lấn sân sang mảng multimedia (đồ họa đa phương tiện) thì Quỳnh có muốn thử sức không?

  • Dĩ nhiên là có chứ!!! Mình rất muốn thử sức lắm ấy. Ở Việt Nam, ngành media đang bắt đầu trở nên phổ biến và phát triển hơn rồi, có cơ hội mình là mình sẽ chớp ngay.

Môi trường TKĐH quả thực cạnh tranh rất khốc liệt. Nếu chỉ dậm chân trong vùng an toàn chắc sẽ bị đào thải không thương tiếc. Quỳnh có nhắn nhủ điều gì cho các bạn độc giả trước khi bài phỏng vấn kết thúc không nè?

DƯƠNG NGỌC DIỄM QUỲNH PHẢI CÓ TƯ DUY MỚI TRỤ NỔI VỚI NGHỀ THIẾT KẾ 3
  • Mình cũng chỉ nhắn nhủ cho các bạn “nhẹ nhàng” thôi. Ngành này cực lắm lắm (cười lớn), nếu ai có thừa đam mê thì hẵng theo…
  • Nói chứ ngành này tuy cực nhưng lại vui, mình vẫn giữ quan niệm để tiến xa hơn trong ngành này rất cần sự trải nghiệm và năng nổ.

Cám ơn Quỳnh đã chia sẻ chân tình. Chúc Quỳnh đạt được ước mơ của mình trong tương lai và còn hơn thế nữa!

Để thi vào ngành thiết kế đồ họa của các trường đại học, các bạn cần phải bỏ thời gian ra ôn luyện môn vẽ. Khối thi các bạn có thể chọn là khối H hoặc khối H1.