Cách Chọn Một Bộ Màu Nước Ưng Ý Theo Nhu Cầu Vẽ Của Bản Thân

Kể từ khi trở nên phổ biến rộng rãi vào thế kỷ 18, tranh màu nước đã được yêu thích bởi các nghệ sỹ nghiệp dư và chuyên nghiệp.

Với đặc tính di động, bản thân màu nước đã trở thành một trong những chất liệu hoàn hảo để vẽ ký họa trực tiếp hoặc thể hiện ý tưởng của các bạn một cách nhanh chóng khi đi vẽ ký họa ở những nơi xa xôi.

Nhưng trên thị trường có rất nhiều hãng màu nước khác nhau, vậy những điều cần biết khi chọn mua màu nước là gì?

PICS xin đưa ra câu trả lời cho các bạn ngay trong bài viết “Cách Chọn Màu Nước” nhé!

HÌNH MINH HỌA MÀU NƯỚC VÀ SỔ KÝ HỌA

Chỉ với một hộp màu nước nhỏ gọn và quyển sổ, bạn có thể vẽ cả thế giới quanh mình. Ghê chưa, ghê chưa?

Ảnh minh họa: Tim Arterbury

Để biết cách chọn mua một bộ màu nước ưng ý theo nhu cầu của các bạn. Chúng ta cùng điểm qua một số chi tiết sau đây:

 

Chất Lượng (Quality):

Cũng giống như nhiều chất liệu khác, đó là màu nước được chia ra làm nhiều hạng khác nhau (HẠNG chứ không phải HÃNG nhé các bạn đừng nhầm). Bao gồm hạng HỌA SỸ và hạng SINH VIÊN.

  • Màu nước hạng HỌA SỸ có chứa nhiều bột màu hơn (tên gốc: pigment) và có dải màu rộng hơn nên có nhiều màu lạ; màu sắc tươi, sáng và đẹp hơn hạng SINH VIÊN.
  • Còn màu nước hạng SINH VIÊN thì ngoài việc màu sắc bị hạn chế và kém tươi, màu còn bị trộn thêm nhiều chất kết dính (synthetic binders) và các chất làm đầy (fillers) khác. Lý do nhà sản xuất làm vậy là để màu giữ được giá thành thấp, điều đó dẫn đến việc màu nước hạng SINH VIÊN chỉ có chất lượng trung bình.

Nếu các bạn là người mới còn chân-ướt-chân-ráo chỉ muốn thử trải nghiệm chất liệu màu nước là như thế nào, thì hạng SINH VIÊN là sẽ là lựa chọn tốt nhất dành cho các bạn. Các bạn an tâm là lúc mới luyện các bạn sẽ không cảm nhận được nhiều sự khác biệt giữa hai hạng màu đâu, mà nó còn giúp các bạn “nhẹ” ví tiền nữa!

Theo kinh nghiệm của PICS, cách đơn giản nhất để phân biệt hạng của màu nước là dựa vào giá thành:

  • Người mới bắt đầu học vẽ
  • Sinh viên
100-500k/set

màu lẻ: <20k/màu

  • Sinh viên
  • Họa sỹ (mới chuyển sang luyện màu nước)
500k+/set 

màu lẻ: <100k/màu

  • Họa sỹ (vẽ màu nước chuyên nghiệp)
1200k+/set 

màu lẻ: >120k/màu

MÀU NƯỚC LENINGRAD

Màu nước hiệu St. Petersburg White Nights – ở Việt Nam còn được gọi là màu nước Leningrad.

Là màu hạng sinh viên và là hãng rất phổ biến đối với các bạn mê màu nước. Giá khoảng 450k/hộp/24 màu (2019)

Màu Sắc (Color):

Một trong những khả năng tuyệt vời của màu nước là các bạn có thể trộn màu lại với nhau để mở rộng bảng màu của mình mà không cần phải mua một tuýp màu mới. Vì vậy, nếu các bạn muốn mua để trải nghiệm màu hạng HỌA SỸ, trước mắt hãy trộn từ 2-3 màu lại với nhau để test trước khi ra quyết định.

Dĩ nhiên là các tuýp màu lẻ của nhà sản xuất sẽ tươi hơn nhiều đối với màu các bạn trộn rồi. Tuy nhiên cũng có một số họa sỹ lại thích dùng màu họ tự trộn hơn là dùng tuýp màu có sẵn của nhà sản xuất, cái này tùy thuộc vào style và mục đích vẽ của các bạn.

Nhiều khi chỉ dùng tầm sáu màu cơ bản thôi cũng có thể pha chúng ra màu khác để vẽ ngon lành rồi nha!

Độ Bền Màu (Permanence):

Độ bền màu tức là khả năng chống chịu thời tiết của màu khi tiếp xúc với ánh sáng hoặc độ ẩm trong không khí. Điều này phụ thuộc vào chất lượng của bột màu (pigment) và trong màu có bao nhiêu chất làm đầy (fillers) để giảm giá thành trong tuýp màu đó.

Độ bền màu có hãng thì ghi “Permanence”, có hãng thì ghi “Lightfastness”, đồng thời mỗi hãng cũng đều có ký hiệu độ bền màu khác nhau nữa. Nên để biết chính xác tuýp màu đó có độ bền màu như thế nào các bạn hãy xem phổ màu (color chart) trên website của nhà sản xuất để có quyết định chính xác nhất xem có nên mua màu đó hay không nha.

Dưới đây là ví dụ về thông số màu của màu nước Leningrad và màu nước Winsor and Newton nè các bạn:

PHỔ MÀU CỦA MÀU LENINGRAD

Như các bạn thấy thì ký hiệu độ bền màu của màu nước Leningrad là dấu sao (*), và càng nhiều sao (*) thì độ bền màu càng cao, tức là cho ánh nắng chiếu tá lả vô tranh cũng không sao hết đó các bạn. Nhìn qua ô màu Neutral Black kế bên là các bạn thấy nó có ba dấu sao (*) liền luôn.

 

PHỔ MÀU CỦA MÀU LWINSOR AND NEWTON

Còn đây là phổ màu của màu nước Winsor and Newton với ký hiệu độ bền màu bằng chữ cái theo thứ tự bền màu từ cao tới thấp (AA > A > B) như các bạn thấy trong hình.

 

Để học cách chọn mua được một bộ màu nước ưng ý quả là không dễ dàng một chút nào các bạn nhỉ? Quá trời thứ cần phải biết trước khi “móc ví” phải không nào? Đối với PICS, đã không mua thì thôi, đã mua là phải nghiên cứu cho kỹ, sau đó mua mới đáng đồng tiền bát gạo! Chúng ta tiếp tục nhé.

 

Độ Trong Suốt (Transparency):

Vì chất liệu màu nước thường được vẽ ở trạng thái hòa tan, nên khả năng đặc trưng nhất của màu nước là cho phép ánh sáng đi xuyên qua nó khi các bạn sử dụng kỹ thuật vẽ trộn màu (washing watercolor).

Bất kỳ chất liệu nào cũng có màu đục (opaque) và màu trong (transparent), màu nước cũng không ngoại lệ, nhà sản xuất thường ghi chú rất rõ khả năng đục/trong của màu trên vỏ của tuýp màu nên các bạn phải chú ý kỹ kẻo sử-dụng-nhầm nhiều màu đục trong bức vẽ. Ngoài ra nếu đã lỡ sử dụng nhiều màu đục khiến tranh bị khô cứng, các bạn cũng có thể rửa cho mỏng lớp màu bị đục, tuy nhiên đó chỉ là giải pháp chữa cháy tạm thời.

Độ đục/trong của màu nước được chia làm 4 cấp độ:

  • trong (transparent): T
  • bán trong (semi-transparent): ST
  • bán đục  (semi-opaque): SO
  • đục  (opaque): O

BẢNG THÔNG SỐ MẪU WINSOR AND NEWTON

Ảnh cắt ra từ phổ màu trên website của nhà sản xuất màu Winsor & Newton cung cấp.

Trong đó:

  • Màu trong (transparent): cho ánh sáng đi qua, cho phép màu của tờ giấy trắng hoặc phần màu lót (underpainting) bên dưới hiện ra. Có thể vẽ láng màu trong lên lớp màu khô bên dưới tạo hòa sắc đẹp.
  • Màu đục (opaque): không cho ánh sáng đi qua, che phần màu bên dưới. Màu đục trông như lớp phấn khi khô.

Thử nghiệm kiểm tra độ đục/trong của màu nước:

KIỂM TRA ĐỘ ĐỤC TRONG CỦA MÀU NƯỚC

Vẽ 1 đường đen bằng bút marker lên giấy. Tô màu nước cắt ngang màu marker. Thế là xong!

Độ Bám Giấy (Staining):

Một số loại màu nước khi vẽ sẽ thấm vào giấy, đó chính là “stain”, hay còn gọi là độ bám giấy. Trong khi một số khác lại nằm trên bề mặt giấy, giúp dễ dàng xóa các lỗi sai không mong muốn bằng giấy vệ sinh hoặc bằng cách cạo giấy.

Điều này thực sự bắt nguồn từ bột màu, nếu các bạn là người mới học, thì việc bỏ ra một chút thời gian để luyện tập lúc ban đầu, các bạn sẽ dần dần hiểu được độ bám giấy của màu nước là như thế nào ngay.

Cơ bản là khả năng bám giấy của màu cũng sẽ trở thành một kỹ thuật khi vẽ màu nước theo lớp. NHƯNG, nếu tuýp màu nước đó không bám giấy sẽ khiến các bạn mới học muốn áp dụng kỹ thuật vẽ ướt-trên-khô sẽ trở nên khó khăn hơn nhiều lúc trộn màu trên giấy (do màu không bám giấy nên cứ khi vẽ lớp tiếp theo là màu bị trôi lớp bên dưới hòa vào lớp bên trên tạo thành một bãi màu bầy nhầy).

KIỂM TRA ĐỘ BỀN MÀU TRÊN GIẤY

Hãy test thử màu nước của các bạn trên một tờ giấy trắng và đợi màu bớt ẩm rồi cọ hay giấy vệ sinh khô chùi thử để biết màu nào trong bảng màu của các bạn có bám giấy hay không, vì nó sẽ thay đổi theo nhãn hiệu đó.

Dùng Màu Tuýp Hoặc Thỏi (Tubes Or Pans):

Mua màu nước đựng trong tuýp hay trong thỏi màu là tùy thuộc vào mục đích sử dụng của mỗi người. Dựa trên kinh nghiệm cá nhân của PICS thì:

Màu thỏi:

  • Nhỏ gọn, tính di động cao, nhưng cũng vì ưu điểm đó mà số lượng màu mang theo bị hạn chế.
  • Chưa kể việc thỏi màu quá nhỏ dẫn đến việc gây khó khăn khi pha màu để vẽ những bức tranh có diện tích lớn.
  • Ngoài ra màu dễ bị khô do màu thỏi chỉ đựng trong hộp mà không có nắp đậy nên làm một số màu bị “chai” ngay trên thỏi màu, dù có dùng nước mài bao nhiêu đi nữa vẫn không lấy màu được.
  • Nhưng thực sự, nên mang theo màu thỏi để đi vẽ ký họa vì nó cực kỳ tiện luôn.

Màu tuýp:

  • Ngược lại với màu thỏi thì màu tuýp lại được lấp đầy bằng màu lỏng, điều này khiến cho màu nước dạng tuýp khó mang đi vẽ ngoài trời hơn màu thỏi.
  • Bù lại, màu dạng tuýp pha màu rất dễ và nhanh, rất tiện để vẽ những bức tranh có diện tích lớn.
  • Bởi vì việc trộn và pha màu dễ dàng quá nên tuýp màu chắc chắn sẽ hết rất nhanh so với màu thỏi, điều này thì lại rất “có hại” cho ví tiền của các bạn!
  • Ngoài ra một số bạn mới học không cẩn thận để cho màu bị khô chất làm ẩm bên trong tuýp, quên đóng nắp chẳng hạn, thì trường hợp này cũng giống như màu thỏi nhưng ít xảy ra hơn (có ai dùng màu tuýp mắc tiền mà quên đóng nắp thường xuyên không chứ?).

Đặc biệt, cả hai dạng màu thỏi và màu tuýp đều có bán màu lẻ, vì thế, trong một bộ màu của mỗi cá nhân luôn luôn có cả hai loại cùng một lúc để vẽ kết hợp là chuyện bình thường nha các bạn. Hãy liên tục kết hợp chúng lại với nhau để tạo ra bảng màu duy nhất của chính các bạn!

WATERCOLOR HOLBEIN TUBES AND PANS

Hình bên trái là màu dạng thỏi còn hình bên phải là màu dạng tuýp đó các bạn!

Đây là màu nước Holbein HWC hạng họa sỹ của Nhật. Giá hộp màu tuýp tầm 1200k/hộp/24 màu (2019)

Và đó là tất cả những gì PICS muốn chia sẻ với các bạn về cách chọn một bộ màu nước ưng ý theo nhu cầu vẽ của bản thân. Các bạn nên nhớ chẳng có gì là hoàn hảo cả, một bộ màu tệ với người này có thể sẽ lại là một bộ màu tốt với người khác, tất cả tùy thuộc vào style vẽ của mỗi người thôi, chẳng có gì phải lăn tăn cả đúng không nào?

Các bạn thấy PICS viết bài “Cách Chọn Màu Nước Ưng Ý Theo Nhu Cầu Bản Thân” này như thế nào? Hãy cho PICS biết cảm nghĩ của bạn ở phần Bình Luận bên dưới nhé!

Hãy đăng ký ngay khóa học “Học Vẽ Màu Nước” tại PICS bằng cách gọi vào số HOTLINE: 070 592 1147 (Ms.Nhi) hoặc inbox vào FB PICS Studio nếu các bạn cảm thấy hứng thú với PICS.