Học Thiết Kế Đồ Họa Ra Trường Làm Gì?

Trước tiên các bạn phải biết “Thiết kế đồ họa là gì?” đã!

Có lẽ đây là câu hỏi mà rất nhiều bạn trẻ, những người đã và đang đứng trước ngưỡng cửa đại học quan tâm và tích cực tìm kiếm câu trả lời. Thiết kế đồ họa theo định nghĩa của nhà thiết kế huyền thoại Massimo Vignelli thì sẽ đơn giản như thế này:

CHÂN DUNG MASSIMO VIGNELLI 8 CÔNG VIỆC SAU KHI HỌC THIẾT KẾ ĐỒ HỌA BẠN CÓ THỂ LÀM

Graphic Design is the visual communication of information in an appropriate visual manner – Massimo Vignelli

Tạm dịch: Thiết kế đồ họa là sự truyền thông bằng những hình ảnh thích hợp.

Hay bạn có thể hiểu cụ thể hơn như thế này:

Thiết kế đồ họa là vận dụng các yếu tố thị giác (visual element) để sắp xếp bố cục hợp lý nhằm biểu đạt một ý tưởng hay thông điệp, và truyền đạt ý tưởng hay thông điệp đó đến với khách hàng thông qua: chữ viết, hình ảnh, màu sắc và khuôn hình.

Thế nhưng thực sự là công việc của ngành thiết kế đồ họa rất rộng, rộng đến mức để giải quyết cho từng vấn đề đều có một lĩnh vực chuyên môn riêng để xử lý, điều này đòi hỏi các designer của chúng ta phải có kỹ năng và kỹ thuật thiết kế cụ thể cho từng lĩnh vực.

Có nhiều designer chỉ chuyên về một lĩnh vực duy nhất, nhưng bởi vì xã hội hiện nay đang ngày càng trở nên cạnh tranh hơn, nên các nhà thiết kế bắt buộc phải có khả năng thích nghi và học hỏi suốt đời để họ có thể thay đổi hoặc mở rộng thêm bộ kỹ năng cá nhân trong suốt cuộc đời sự nghiệp của mình.

Bật mí xíu xiu cho các bạn mức lương ngành thiết kế đồ họa ở Việt Nam nè:

LƯƠNG NHÂN VIÊN THIẾT KẾ ĐỒ HỌA Học Thiết Kế Đồ Họa Ra Trường Làm Gì?

Vậy các công việc đó là gì? Dưới đây là 8 công việc có lương “ngàn đô” đang rất phổ biến hiện nay mà hầu hết các designer đang theo đuổi, các bạn cùng xem đó là những công việc gì nhé!

1) THIẾT KẾ ĐỒ HỌA NHẬN DIỆN THƯƠNG HIỆU (VISUAL INDENTITY GRAPHIC DESIGN)

Thương hiệu ở đây có thể hiểu là cầu nối giữa doanh nghiệp và khách hàng. Nhận diện thương hiệu là cách mà các tổ chức dùng để truyền tải cá tính, văn hóa và phẩm chất của doanh nghiệp đến với khách hàng, giúp cho mối quan hệ giữa việc mua và bán trở nên dễ dàng và gần gũi.

Đơn giản hơn, một hệ thống nhận diện thương hiệu chính là những gì mà người tiêu dùng nhìn thấy, nghe thấy về thương hiệu ấy trong cuộc sống hàng ngày.

Các designer chuyên về mảng này sẽ làm việc với các bên liên quan đến thương hiệu (brand stakeholder) để sáng tạo ra các tài sản thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp như: logo, kiểu chữ (typography), bảng màu và thư viện hình ảnh đại diện cho văn hóa doanh nghiệp.  Mục tiêu của hệ thống nhận diện thương hiệu không chỉ là tạo sự nhận biết, sự khác biệt, thể hiện cá tính đặc thù của doanh nghiệp mà còn nhắm đến việc tạo ra sự tác động đến nhận thức của khách hàng và công chúng (ví dụ như tạo cảm giác về quy mô của doanh nghiệp là LỚN, tính chuyên nghiệp là CAO chẳng hạn…).

CÓ THỂ BẠN CHƯA BIẾT? Nhưng, Stakeholder là thuật ngữ chỉ các cá nhân, tổ chức có quan hệ mật thiết với doanh nghiệp. Họ có quan tâm, chia sẻ những nguồn lực, chịu tác động hoặc trực tiếp tác động tới doanh nghiệp trong các chiến lược, kế hoạch, các hoạt động kinh doanh và có thể  quyết định đến sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp.

Thông thường các bên liên quan mật thiết trong doanh nghiệp có thể được chia thành các nhóm sau:

  • Trong nội bộ doanh nghiệp: người lao động, ban quản lý, hội đồng quản trị…
  • Các bên liên quan có quan hệ trực tiếp (đối tác): cổ đông, khách hàng, nhà cung cấp, nhà tài trợ, chủ nợ…
  • Các tổ chức, cá nhân bên ngoài doanh nghiệp: chính phủ, các hiệp hội, cộng đồng, các tổ chức quan trọng

THIẾT KẾ ĐỒ HỌA NHẬN DIỆN THƯƠNG HIỆU 5 8 CÔNG VIỆC SAU KHI HỌC THIẾT KẾ ĐỒ HỌA BẠN CÓ THỂ LÀM

Nguồn: nnorth

Nhận diện thương hiệu là lĩnh vực phổ biến nhất mà các designer chọn làm sau khi tốt nghiệp.

Trong thời đại nghe – nhìn cạnh tranh khốc liệt như ngày nay thì các designer chuyên về lĩnh vực này cần phải có kiến thức nền về kỹ năng thiết kế khá lớn mới có thể sáng tạo ra các sản phẩm khác nhau phù hợp với các phương tiện truyền thông đại chúng.

Ngoài ra, việc trau dồi thêm các kiến thức về kỹ năng giao tiếp, cập nhật xu hướng mới, nghiên cứu về các ngành nghề, doanh nghiệp và các thị trường khác nhau cũng là điều bắt buộc phải làm.

2) THIẾT KẾ ĐỒ HỌA QUẢNG CÁO MARKETING (MARKETING & ADVERTISING GRAPHIC DESIGN)

Phần lớn tất cả mọi người khi được hỏi, “Bạn biết gì về công việc thiết kế đồ họa?”, thì họ sẽ chỉ nghĩ rằng thiết kế đồ họa là công việc liên quan đến lĩnh vực tiếp thị và quảng cáo.

Điều này cũng không sai, khi các doanh nghiệp phải phụ thuộc vào các chiến dịch marketing để tiếp cận với khách hàng tiềm năng nhằm chiếm lấy thị phần. Một chiến dịch tiếp thị tuyệt vời sẽ thu hút một số lượng lớn người tiêu dùng dựa vào “cái mà họ cầncái mà họ muốn và sự hài lòng trong tiềm thức của họ về sản phẩm, dịch vụ hoặc thương hiệu”. Và để đạt được kết quả cao trong một chiến dịch tiếp thị thì nội dung trực quan (visual content) chắc chắn sẽ là điều kiện then chốt giúp các tổ chức quảng bá hiệu quả.

THIẾT KẾ ĐỒ HỌA QUẢNG CÁO MARKETING 1 8 CÔNG VIỆC SAU KHI HỌC THIẾT KẾ ĐỒ HỌA BẠN CÓ THỂ LÀM

Nguồn: yaseenart

Các designer chuyên về mảng marketing sẽ làm việc trực tiếp với quản lý hoặc chủ sở hữu doanh nghiệp để tạo ra các sản phẩm độc quyền cho các chiến dịch tiếp thị, và trong công việc họ có thể làm một mình hoặc theo nhóm.

Mặc dù thiết kế quảng cáo marketing truyền thống sẽ tập trung vào in ấn, nhưng trong thời đại công nghệ, loại hình thiết kế này đã phát triển để có thể sáng tạo ra nhiều sản phẩm trí tuệ dựa vào nền tảng kỹ thuật số, đặc biệt là marketing về nội dung.

MỘT SỐ VÍ DỤ MÀ DESIGNER QUẢNG CÁO MARKETING CÓ THỂ THỰC HIỆN:

  • Bưu thiếp & Tờ rơi (Postcards & Flyers)
  • Tạp chí & Quảng cáo trên báo chí (Magazine & Newspaper ads)
  • Áp phích, Biểu ngữ & Bảng quảng cáo lộ thiên (Posters, Banners & Billboards)
  • Infographics
  • Tờ gấp quảng cáo (Brochures)
  • Decal quảng cáo dán xe (Vehicle Wraps)
  • Bảng chỉ dẫn & Phông nền cho hội chợ triển lãm (Signage and trade show displays)
  •  Mẫu email marketing
  • Thuyết trình PowerPoint
  • Thực đơn (Menus)
  • Các quảng cáo trên mạng xã hội (Social media ads)
  • Biểu ngữ tiếp thị lại (Banner & retargeting ads)
  • Hình ảnh cho các website và blog 

Các designer marketing ngoài việc phải thành thạo các phần mềm thiết kế đồ họa và dàn trang, họ còn phải làm quen với môi trường sản xuất dành cho bên in ấn, vì vậy kỹ năng giao tiếp và kỹ năng quản lý thời gian là rất cần thiết đối với lĩnh vực này (thử tưởng tượng việc bên nhà in làm sai hay làm trễ tiến độ dự án mà nhóm của bạn đang thực hiện là các bạn sẽ hiểu).

Theo kinh nghiệm bản thân thì nếu các bạn muốn thử sức với lĩnh vực này, các bạn có thể bắt đầu từ vị trí entry – level (vị trí thấp nhất trong một công ty và không đòi hỏi bằng cấp) để học việc. Đó sẽ là cơ hội tuyệt vời để các bạn tìm hiểu các quy trình làm việc nhằm rút ra các kỹ năng và kinh nghiệm có giá trị cho bản thân mình.

3) THIẾT KẾ ĐỒ HỌA GIAO DIỆN NGƯỜI DÙNG (USER INTERFACE GRAPHIC DESIGN)

Ở đây có ai còn xa lạ với cụm từ giao diện người dùng không? Nếu ai chưa biết giao diện người dùng là gì thì để PICS giải đáp cho các bạn nhé!

Giao diện người dùng (UI) là nơi mà người dùng tương tác với các thiết bị hoặc ứng dụng (thường là trên máy tính, smartphone, tablet…). Do đó, thiết kế UI là thiết kế giao diện sao cho chúng trở nên dễ xài, dễ sử dụng, qua đó cung cấp cho người dùng một trải nghiệm thân thiện.

UI bao gồm mọi thứ mà người dùng có thể tương tác được như màn hình, bàn phím, con chuột, nhưng trong thiết kế đồ họa thì thiết kế UI chủ yếu chỉ tập trung vào thiết kế CÁC YẾU TỐ ĐỒ HỌA TRÊN MÀN HÌNH như nút nhấn, menu, các micro – interactions (hay còn gọi là tương tác nhỏ)… Có thể nói, thiết kế UI là một công việc cân bằng lại 2 yếu tố thẩm mỹ và kỹ thuật.

CÓ THỂ BẠN CHƯA BIẾT? Nhưng, micro – interactions là những trải nghiệm nhỏ bên trong một sản phẩm hoặc một vùng nào đó trên website và chỉ diễn ra khi người dùng thực hiện một tương tác nào đấy. Ví dụ như khi bạn kéo xuống cuối trang tự nhiên có hộp popup nhỏ nhảy ra xin email hoặc quảng cáo deal giảm giá tới tay bạn thì đó là micro – interactions.

Các designer UI sẽ làm việc chuyên về các phần mềm máy tính, ứng dụng mobile, ứng dụng trên web và games cùng với các designer UX (người đứng trên vị trí của khách hàng để trải nghiệm giao diện, các tính năng của sản phẩm kĩ thuật số, từ đó cảm nhận, đánh giá khách quan nhất về sản phẩm) và các lập trình viên UI (các kỹ sư lập trình viết code để làm cho sản phẩm hoạt động).

MỘT SỐ VÍ DỤ MÀ DESIGNER UI CÓ THỂ THỰC HIỆN:

  • Thiết kế web (Web page design)
  • Thiết kế chủ đề cho web (Theme design)
  • Thiết kế giao diện cho game (Game interfaces)
  • Thiết kế giao diện cho ứng dụng (App design)

Ngoài việc nắm vững các phần mềm thiết kế đồ họa, các designer UI cũng cần phải chuẩn bị thêm cho mình kiến thức về vài ngôn ngữ lập trình phổ biến như HTML, CSS, JavaScript…

4) THIẾT KẾ ĐỒ HỌA ẤN PHẨM XUẤT BẢN (PUBLICATION GRAPHIC DESIGN)

Ấn phẩm là những sản phẩm được sinh ra dùng để giao tiếp với khách hàng lâu dài thông qua một kênh phân phối công khai nào đó. Truyền thống của lĩnh vực này là in ấn, do đó, ấn phẩm xuất bản có thể xem là dạng thiết kế kinh điển nhất quả đất (sách, báo, tạp chí, catalogue). Tuy nhiên trong thời đại công nghệ ngày nay, ấn phẩm đã chuyển hướng dần sang dạng xuất bản kỹ thuật số.

THIẾT KẾ ĐỒ HỌA ẤN PHẨM XUẤT BẢN 3 8 CÔNG VIỆC SAU KHI HỌC THIẾT KẾ ĐỒ HỌA BẠN CÓ THỂ LÀM

Nguồn: shwin

Các designer làm việc về mảng ấn phẩm sẽ cùng cộng tác với các biên tập viên và nhà xuất bản để cùng tạo ra một sản phẩm chung tốt nhất, bao gồm việc lựa chọn bố cục phù hợp với kiểu chữ (typography) và các loại tranh ảnh đi kèm (ví dụ như nhiếp ảnh, tranh minh họa)… Các designer ấn phẩm đa phần làm việc dưới tư cách là một freelancer, cũng có nhiều người chọn trở thành thành viên trong một công ty về thiết kế hoặc làm việc như một nhân viên thiết kế chính thức của nhà xuất bản.

MỘT SỐ VÍ DỤ MÀ DESIGNER ẤN PHẨM CÓ THỂ THỰC HIỆN:

  • Sách (Books)
  • Báo giấy (Newspapers)
  • Bản tin nội bộ (Newsletters)
  • Báo cáo thường niên (Annual reports)
  • Tạp chí thời sự (Magazines)
  • Catalogue

Do tiến độ xuất bản của ấn phẩm là đều đặn hằng tuần nên nếu muốn trở thành một designer ấn phẩm, các bạn phải có kỹ năng giao tiếp, bố trí và tổ chức công việc thật tốt. Đặc biệt trong mảng này, ngoài chuyên môn về thiết kế, các bạn cần phải hiểu về các nguyên lý màu sắc trong in ấn xuất bản nữa.

5) THIẾT KẾ ĐỒ HỌA BAO BÌ (PACKAGING GRAPHIC DESIGN)

Hầu hết các sản phẩm hiện nay đều cần phải đóng gói để bảo vệ và chuẩn bị cho khâu lưu trữ, sau đó phân phối tới tay hàng triệu người tiêu dùng. Có thể dễ dàng nhận thấy, qua hàng triệu sản phẩm đến tay khách hàng, những sản phẩm nào có bao bì đẹp, bắt mắt sẽ gây được sự chú ý rất lớn từ các “thượng đế”. Vì vậy, thiết kế đồ họa trên bao bì sản phẩm cũng có thể trở thành một công cụ tiếp thị cực kỳ giá trị. Mỗi sản phẩm như hộp giấy, chai thủy tinh và túi xách… tất cả đều là một cơ hội để kể cho khách hàng về câu chuyện của một thương hiệu.

Ban đầu, các designer bao bì nghĩ ra các ý tưởng, sau đó phát triển chúng dưới dạng mô hình thu nhỏ (mock – up), sau đó đưa vào sản xuất dựa trên các bản in hoàn thiện. Điều này đòi hỏi họ phải có kiến ​​thức chuyên môn về quy trình in ấn và có hiểu biết sâu sắc về thiết kế và sản xuất công nghiệp, bởi vì thiết kế bao bì phải đụng đến rất nhiều ngành nên sẽ không có gì lạ khi thấy cả một đội ngũ thiết kế tạo ra hàng loạt tài sản khác nhau cho một sản phẩm như nhiếp ảnh, minh họa và nhận diện thương hiệu.

Các designer bao bì có thể là một chuyên gia chuyên về một loại bao bì cụ thể nào đó (như nhãn hiệu và lon của một loại nước uống có ga) hoặc cả một ngành công nghiệp cụ thể (như thực phẩm hoặc đồ chơi dành cho trẻ em). 

Công việc của designer bao bì buộc họ phải trở nên “linh hoạt” để vừa đáp ứng thị hiếu của khách hàng, vừa đáp ứng nhu cầu của bên nhà sản xuất và đội ngũ marketing theo xu hướng hiện tại, cho nên việc nắm vững các kiến thức chuyên sâu về in ấn và thiết kế là điều bắt buộc phải làm nếu muốn theo đuổi lĩnh vực này.

6) THIẾT KẾ ĐỒ HỌA CHUYỂN ĐỘNG (MOTION GRAPHIC DESIGN)

Đơn giản dễ hiểu, đồ họa chuyển động là một sản phẩm đồ họa có thể chuyển động :)) Bao gồm diễn hoạt (animation), audio, kiểu chữ (typography), hình ảnh và các hiệu ứng khác được sử dụng trong các phương tiện truyền thông trực tuyến, TV và điện ảnh. Đồ họa chuyển động ngày nay có độ phủ sóng rất lớn nhờ vào việc công nghệ đang ngày càng phát triển và nội dung video trong thời đại này nghiễm nhiên trở thành vua – “Content is King” – chắc các bạn đã từng nghe qua.

THIẾT KẾ ĐỒ HỌA CHUYỂN ĐỘNG 2 8 CÔNG VIỆC SAU KHI HỌC THIẾT KẾ ĐỒ HỌA BẠN CÓ THỂ LÀM

Thiết kế đồ họa chuyển động là một kỹ năng mới của các designer trẻ và năng động.

Ban đầu, diễn hoạt tưởng chừng như chỉ dành riêng cho truyền hình hay điện ảnh, nhưng những tiến bộ công nghệ đã xóa nhòa đi ranh giới đó, với việc làm giảm thời gian thực hiện sản phẩm và chi phí sản xuất, khiến cho hình thức nghệ thuật này trở nên dễ dàng tiếp cận với công chúng hơn với giá cả cực kỳ phải chăng.

Tất nhiên là giờ đây, đồ họa chuyển động trở thành một trong những loại hình thiết kế mới nhất và có thể được tìm thấy trên tất cả các nền tảng kỹ thuật số, đồng thời đã tạo ra vô số lĩnh vực và cơ hội nghề nghiệp mới mẻ.

MỘT SỐ VÍ DỤ MÀ DESIGNER ĐỒ HỌA CHUYỂN ĐỘNG CÓ THỂ THỰC HIỆN:

  • Tiêu đề & Danh đề (Title sequences and end credits)
  • Quảng cáo (Advertisements)
  • Logo diễn hoạt (Animated logos)
  • Trailers
  • Bản thuyết trình (Presentations)
  • Video quảng cáo sản phẩm (Promotional videos)
  • Video hướng dẫn cho một vấn đề nào đó (Tutorial videos)
  • Website
  • Ứng dụng (Apps)
  • Game
  • Băng rôn (Banners)
  • Ảnh GIF

THIẾT KẾ ĐỒ HỌA CHUYỂN ĐỘNG 1 8 CÔNG VIỆC SAU KHI HỌC THIẾT KẾ ĐỒ HỌA BẠN CÓ THỂ LÀM

Nguồn: Maryia Dziadziulia

THIẾT KẾ ĐỒ HỌA CHUYỂN ĐỘNG 4 8 CÔNG VIỆC SAU KHI HỌC THIẾT KẾ ĐỒ HỌA BẠN CÓ THỂ LÀM

Nguồn: Janos Nyujto

CÓ THỂ BẠN CHƯA BIẾT? Nhưng để bắt tay vào công việc sao cho trơn tru thuận lợi thì các designer đồ họa chuyển động bắt buộc phải làm việc với các storyboards thường xuyên.

7) THIẾT KẾ ĐỒ HỌA KHÔNG GIAN (ENVIRONMENTAL GRAPHIC DESIGN)

Thiết kế đồ họa không gian là dạng thiết kế kết nối con người với các địa điểm bằng hình ảnh nhằm giúp họ ghi nhớ một cách sâu sắc đến không gian ấy (ví dụ làm cho họ cảm thấy thú vị hơn, mang lại cho họ nhiều thông tin hơn nữa chẳng hạn), mục đích là để khách hàng tăng thêm tính trải nghiệm cá nhân.

Công việc mà designer đồ họa không gian thường xuyên tiếp xúc khá rộng, dưới đây là một số ví dụ:

MỘT SỐ VÍ DỤ MÀ DESIGNER ĐỒ HỌA KHÔNG GIAN CÓ THỂ THỰC HIỆN:

  • Bảng chỉ dẫn (Signage)
  • Tranh tường (Wall murals)
  • Triển lãm ở bảo tàng (Museum exhibitions)
  • Thương hiệu cho văn phòng (Office branding)
  • Nội thất cửa hàng bán lẻ (Retail store interiors)
  • Thương hiệu cho sân vận động (Stadium branding)
  • Không gian sự kiện & hội nghị (Event and conference spaces)

Thực sự thì công việc thiết kế đồ họa không gian là một công việc liên quan đến nhiều ngành như đồ họa, kiến ​​trúc, nội thất, cảnh quan với cả thiết kế công nghiệp. Các designer đồ họa không gian phải hợp tác với tất cả mọi người trong các lĩnh vực như trên để lên kế hoạch xong mới bắt tay vào thực hiện việc thiết kế được.

Sẽ chẳng ngạc nhiên chút nào khi thấy các nhà thiết kế của chúng ta phải có kiến thức và kinh nghiệm trong cả hai lĩnh vực: thiết kế đồ họa và kiến ​​trúc. Nhờ vậy, việc đọc hiểu các dự án kiến trúc và các bản vẽ thiết kế công nghiệp đối với họ trở thành chuyện quá bình thường.

8) THIẾT KẾ ĐỒ HỌA ART & VẼ MINH HỌA (ART AND ILLUSTRATION FOR GRAPHIC DESIGN)

Vẽ minh họa thường hay bị nhầm với thiết kế đồ họa nhưng thực ra chúng rất khác nhau.

Cơ bản là, công việc thiết kế đồ họa đặt mục đích truyền tải thông điệp đến với khách hàng mục tiêu lên hàng đầu, thông qua các sản phẩm cụ thể (communicating with a target audience); còn công việc vẽ minh họa & art thì lại tạo ra các tác phẩm nghệ thuật có hơi hướng hội họa hơn, mang cái tôi cá nhân cao để ví dụ hay chứng minh hoặc giải thích cho một cái gì đó.

Art & minh họa trải dài từ nghệ thuật trang trí cho đến minh họa kể chuyện.

THIẾT KẾ ĐỒ HỌA VẼ MINH HỌA 1 8 CÔNG VIỆC SAU KHI HỌC THIẾT KẾ ĐỒ HỌA BẠN CÓ THỂ LÀM

Nguồn: suxzero

MỘT SỐ VÍ DỤ MÀ DESIGNER MINH HỌA CÓ THỂ THỰC HIỆN:

  • Thiết kế áo thun (T-shirt design)
  • Các mẫu đồ họa dùng cho ngành may mặc (Graphic patterns for textiles)
  • Đồ họa chuyển động (Motion graphics)
  • Hình ảnh độc quyền (Stock images)
  • Đồ họa tiểu thuyết (Graphic novels)
  • Game
  • Web
  • Truyện tranh
  • Sách art (Art books)
  • Bìa sách (Book covers)
  • Infographics
  • Concept art

THIẾT KẾ ĐỒ HỌA VẼ MINH HỌA 4 8 CÔNG VIỆC SAU KHI HỌC THIẾT KẾ ĐỒ HỌA BẠN CÓ THỂ LÀM

Nguồn: Natalia Maca

Khi hợp tác với các đối tác như nhà văn hay biên tập viên, quản lý và bên tiếp thị marketing hay thậm chí là cả giám đốc nghệ thuật, các họa sĩ minh họa đều có thể sử dụng kỹ thuật cá nhân và bất kỳ máy móc hay công cụ nào mà mình có trong tay để làm việc. Họ là những người vừa giỏi về mỹ thuật, lại vừa am hiểu về diễn hoạt hoặc kiến trúc. Do kiến thức và kỹ năng của họ khá rộng nên họ vừa có thể làm việc như một họa sĩ nghệ thuật, vừa có thể làm việc như một họa sĩ minh họa một cách dễ dàng.

Thế là PICS vừa điểm sơ qua 8 công việc mà các bạn có thể làm sau khi học ngành thiết kế đồ họa rồi đấy. Mọi thứ sẽ trở nên dễ thở hơn rất nhiều khi các bạn hiểu rõ mình muốn gì? Công việc mà mình định hướng trong tương lai cần gì? Và bạn phải làm gì để thực hiện được ước mơ của mình?

Hãy suy nghĩ thật kỹ để chọn đúng công việc mà các bạn muốn làm trong tương lai nhé!