[PHỎNG VẤN] Đan Nét Một Chiều Vẽ Nhiều Mới “Ngon”

ĐAN NÉT MỘT CHIỀU TẠI SAO LẠI “NGON”?

Bẩm sinh PICS nghe thấy ở đâu có cái gì ngon ngon là khoái lắm nghen!

Như các bạn đã biết đan nét có rất nhiều kiểu đan nét.

Tự nhiên đan nét một chiều lại “ngon”?

“Ngon” cái gì vậy ta?

Ngon này có vẻ trừu tượng :))))

Để biết rõ sự tình, mời các bạn đến với buổi phỏng vấn họa sỹ Võ Tấn Thanh, với sở trường vẽ tranh “đan nét một chiều” để được nghe họa sỹ chia sẻ cách để luyện tập kiểu đan nét đặc trưng này nha!

Tác giả bài phỏng vấn: Họa sỹ Nguyễn Hoàng Long

CHÂN DUNG VÕ TẤN THANH 1

“Chỉ có kỹ năng cơ bản vững mới có thể giúp các bạn tiến xa hơn trong lĩnh vực nghệ thuật” – Võ Tấn Thanh

Facebook cá nhân: https://www.facebook.com/thanh.votan.509

Chào Thanh, bạn hãy tự giới thiệu bản thân cho mọi người biết đi nè.

CHÂN DUNG VÕ TẤN THANH 4 

Chào các bạn, mình là Thanh đây hihihi…

  • Chào mọi người, mình tên là Võ Tấn Thanh và mình đến từ Quảng Ngãi. Năm nay mình 23 tuổi (2019) và hiện tại mình đang học năm cuối khoa Kiến Trúc của trường đại học Kiến Trúc TPHCM.

Trong trường đại học Kiến Trúc TPHCM có phải vẽ nhiều không Thanh? Việc học vẽ trước và sau khi nhập học trường đại học Kiến Trúc có gì khác nhau không?

  • Để thi vào ngành Kiến Trúc của đại học Kiến Trúc chắc chắn các bạn phải thi môn vẽ đầu tượng rồi. Còn khi đã vào được trường rồi thì các bạn sẽ chuyển qua hai môn vẽ khác đó là vẽ diễn họa và vẽ máy – chứ không có vẽ đầu tượng nữa.
  • Năm 1 và năm 2 các bạn sinh viên chủ yếu tập trung vào môn vẽ diễn họa nhiều hơn. Tất cả đồ án trong hai năm này các bạn hoàn toàn phải vẽ diễn họa bằng tay hết (hơi cực). Từ năm thứ 3 trở đi mới được vẽ trên máy tính.
  • Nhìn chung, cá nhân mình thấy học trong trường phải vẽ khá nhiều, chỉ là khác nội dung vẽ và cách thể hiện một chút xíu thôi.
VÕ TẤN THANH VẼ TƯỢNG ÔNG GIÀ ĐAN NÉT MỘT CHIỀU CHÂN DUNG VÕ TẤN THANH 3
Đây là bài vẽ của Thanh trước khi vào Kiến Trúc. Còn đây là những gì Thanh vẽ sau khi vào Kiến Trúc.

Cứ dính đến hai ngành Kiến Trúc và Mỹ Thuật là phải vẽ nhiều lắm Thanh nhỉ. Thanh có thể chia sẻ thêm về quãng thời gian Thanh luyện thi vẽ môn đầu tượng hồi xưa của mình không? Nghe nhiều người đồn để thi vẽ vào trường đại học Kiến Trúc cần phải có phong cách vẽ riêng thì điểm mới cao, Thanh nghĩ sao về vấn đề này?

  • Mình bắt đầu học vẽ từ khá sớm, năm lớp 10 là mình đã xách bút xách bảng vẽ để đi học rồi. Hồi đó mình vẽ chưa có phong cách gì cả đâu.
  • Dần dần qua thời gian mình chép tranh và học hỏi thêm các bài mẫu của thầy cô và những anh chị đi trước, qua đó mình mới định hình được phong cách riêng của mình.
  • Còn việc để thi vẽ đầu vào cần phải có phong cách vẽ riêng mới đạt điểm cao thì mình nghĩ “lời đồn” này không đúng. Vì để thi môn vẽ đầu vào, các giáo viên chấm thi người ta chú trọng cái yếu tố căn bản nhiều hơn. Do đó phong cách vẽ không phải là yếu tố quan trọng nhất để đạt được điểm cao trong môn vẽ đầu tượng.

Theo như Thanh nói, để thi vẽ đầu vào thì yếu tố căn bản quan trọng hơn phong cách. Thế nhưng theo như PICS biết thì ngoài xã hội người ta lại suy nghĩ khác, càng muốn gây ấn tượng cho công chúng người họa sỹ càng cần phải có phong cách riêng. Vậy ý kiến của Thanh về việc này là như thế nào?

  • Về vấn đề này thì Thanh rất đồng tình với PICS! Nhưng trước khi gây ấn tượng với công chúng, theo Thanh thì việc khó nhất mọi người cần phải giải quyết đó là đi tìm cho bản thân mình một phong cách vẽ đặc sắc. Dĩ nhiên như Thanh đề cập đến khi nãy, yếu tố quan trọng nhất là vẫn phải dành một khoảng thời gian đủ dài để rèn luyện các kỹ năng căn bản.
  • Theo cá nhân Thanh nghĩ, khi cái chân kỹ thuật mình không vững thì phong cách khi ấy cũng chỉ là sự ngụy biện cho một kỹ năng yếu kém. Vững kiến thức căn bản, quan sát nhiều, trải nghiệm nhiều, khi ấy phong cách sẽ dần dần được định hình.
  • Chẳng giấu gì mọi người, khi đang học lớp 12, vô tình Thanh lang thang trên internet thì nhìn thấy được những bức tranh trong đó người ta chỉ vẽ nét một chiều để thể hiện tác phẩm. Thanh thấy nó vô cùng thú vị, cho nên ngay từ lúc ấy Thanh đã ra sức rèn luyện cho được kỹ thuật này. Cho đến hiện tại có thể nói, kỹ thuật đan nét một chiều hoàn toàn đã trở thành phong cách riêng của Thanh.

VÕ TẤN THANH VẼ CHÂN DUNG ĐAN NÉT MỘT CHIỀU 4

Đây là tranh mà Thanh vẽ cho khách hàng của mình.

Nếu bạn nào chưa hình dung ra thì đan nét một chiều nó là như thế này nè các bạn.

Để đạt được thành quả, con đường chúng ta đi chẳng bao giờ bằng phẳng cả. Trên hành trình khám phá nghệ thuật của chính mình, Thanh có gặp khó khăn gì trong quá trình rèn luyện kỹ thuật đan nét một chiều không? Thanh hãy chia sẻ cho mọi người biết với.

  • Khó khăn lớn nhất mà Thanh gặp phải là Thanh không biết bắt đầu từ đâu, không có nhiều tài liệu để tham khảo, không có ai để hướng dẫn, không có cả bạn để trao đổi nên bắt buộc Thanh phải tự luyện theo kiểu học “mò”, mò mẫm ấy, đúng nghĩa luôn!
  • Hồi mới luyện tập, việc đan nét không khéo khiến nét bị “bể”; hoặc đan nét nhiều lớp nhưng chỉ một chiều san sát nhau làm bức vẽ bị bết, trông giống như tô chì; hoặc không tăng được độ đậm như ý muốn… biết bao nhiêu là khó khăn khi đó.
  • Vẽ đi vẽ lại, dần dần Thanh nhận ra rằng, để đan nét một chiều tốt, trước mắt cần phải luyện kỹ năng đan nét cho đều tay cái đã. Đan nét đều tay, thẳng chỗ nào, cong chỗ nào, kiểm soát độ đậm nhạt theo ý mình như thế nào, phải làm tốt mới có thể đan một chiều đẹp mắt được.
  • Nếu áp dụng kỹ thuật đan nét một chiều vào việc vẽ chi tiết rất là khó nên Thanh chỉ áp dụng kỹ thuật này cho đề tài vẽ chân dung truyền thần thôi. Như các bạn thấy, hầu hết các bức chân dung truyền thần Thanh đều lên sắc độ tổng thể rồi tập trung nhấn mạnh phần ngũ quan chứ không đi sâu vào khối mặt như đề tài vẽ đầu tượng (đơn giản vì vẽ tượng có nhiều chi tiết khối quá, muốn nổi khối mạnh, rõ ràng cần phải đan nét nhiều chiều mới thể hiện được).

Các bạn có nhận ra thần tượng của mình chứ?

Các bạn có thể thấy rất rõ ràng sự khác nhau trong cách đan nét ở hai đề tài tranh chân dung truyền thần và tranh vẽ tượng của bạn Võ Tấn Thanh luôn nè.

Trong số các học trò của Thanh có ai thích kỹ thuật này không? Nếu họ muốn học, Thanh có sẵn sàng truyền lại bí kíp cho họ chứ?

  • Nếu các học trò của Thanh đã rèn luyện vững vàng kỹ năng căn bản và sẵn sàng tiếp nhận kỹ thuật này, dĩ nhiên Thanh không thể nào từ chối rồi!

Với hoa tay của mình, ngoài việc vẽ chân dung truyền thần và dạy học thì Thanh có làm gì khác nữa không? Tại Việt Nam hiện nay có rất nhiều người đam mê theo đuổi bộ môn nghệ thuật này, chủ yếu tập trung phần lớn ở giới trẻ, nhưng họ chỉ biết học vẽ chứ chưa biết cách kiếm tiền từ đôi tay của mình. Thanh có lời khuyên nào dành cho các bạn ấy không?

  • Hiện tại ngoài việc dạy vẽ và vẽ tranh chân dung truyền thần thì Thanh còn làm thêm các công việc khác như vẽ tranh tường, vẽ bảng hiệu, nhận các hợp đồng quảng cáo để thiết kế banner, logo, brochure các kiểu.
  • Thực ra Thanh cũng rất may mắn khi ngay từ năm nhất, Thanh đã có cơ hội được đi làm thêm và tiếp xúc với những anh chị giỏi chuyên môn trong lĩnh vực Mỹ Thuật. Rồi từ đó Thanh mới đi theo các anh chị để tham gia các công việc khác. Càng tham gia nhiều, Thanh lại càng được nhiều người biết đến, dần dần Thanh nhận được lời mời cộng tác từ các job riêng bên ngoài.
  • Qua đó, lời khuyên mà Thanh muốn dành cho các bạn còn đang hoang mang về việc “học vẽ có kiếm được tiền không?” là các bạn nên thực sự nghiêm túc vào lựa chọn của mình bằng cách dành thời gian để rèn luyện kỹ năng căn bản thật chăm chỉ chứ đừng có suy nghĩ “đứng núi này trông núi nọ” hay “học vội, học lướt” để nhanh nhanh ra đi làm kiếm tiền. Vì chỉ có kỹ năng cơ bản vững mới có thể giúp các bạn tiến xa hơn trong lĩnh vực này.

Đây là một số tác phẩm xinh xắn và hoành tráng khác mà bạn Võ Tấn Thanh đa tài của chúng ta thực hiện nè mọi người.

Rất hay và thiết thực. Cám ơn lời khuyên vô cùng chân thật của bạn Thanh. Thanh cho PICS phỏng vấn thêm câu hỏi cuối cùng nhé. Thanh tính sau khi ra trường Thanh sẽ làm gì nè?

CHÂN DUNG VÕ TẤN THANH 2
  • Thanh thấy thú vị một chỗ là công việc của Thanh hiện tại lại đang liên quan đến Mỹ Thuật nhiều hơn là bên Kiến Trúc, vốn là chuyên ngành của Thanh.
  • Trước mắt Thanh đang có một lớp vẽ ở TPHCM, Thanh dự định sau khi ra trường sẽ tập trung phát triển nó hơn nữa. Bây giờ Thanh đang năm cuối nên khá bận.
  • Thanh cũng cố gắng hoàn tất môi trường đại học sao cho hoàn thiện nhất trong khả năng của mình, mong là khi ra trường có thể làm những công việc đúng với chuyên ngành mình đang học.

Cám ơn Thanh đã chia sẻ chân tình. Chúc Thanh đạt được ước mơ của mình trong tương lai và còn hơn thế nữa!

Để thi vào ngành kiến trúc của các trường đại học, các bạn cần phải bỏ thời gian ra ôn luyện môn vẽ. Khối thi các bạn có thể chọn là khối V.