[SINH VIÊN KIẾN TRÚC] – Các Nhà Tuyển Dụng Mong Chờ Những Gì Ở Các Bạn Khi Ra Trường?

Đã lâu quá lâu rồi mới có bài chia sẻ với các bạn sinh viên Kiến Trúc hen! 

Năm 2020 với quá nhiều biến động và thay đổi “thót tim” đến từ vị trí các trường ĐH lớn trong cả nước về đào tạo ngành Kiến Trúc, Dù gì thì các bạn 2k2 cũng đã vượt qua cửa ải thi đầu vào để giờ đây, các bạn đang tự hào ngồi trong giảng đường của trường rồi. Thế nhưng, đó mới chỉ là… sự khởi đầu!!!

Các bạn sinh viên năm 1 ơi, các bạn nên biết hiện nay, theo thống kê mỗi năm các trường đại học cả nước (bao gồm cả trường công và trường tư) đào tạo số lượng sinh viên kiến trúc khá lớn, bổ sung một số lượng lớn kiến trúc sư cho các tỉnh thành trong cả nước (các bạn có thể nhẩm thử rồi áng chừng xem, như trường Đh Xây Dựng là 400 sinh viên/năm, trường ĐH Kiến Trúc HN là 400 sinh viên/năm, còn trường ĐH Kiến Trúc TP.HCM là 500 sinh viên/năm…).

sinh-vien-kien-truc-cac-nha-tuyen-dung-mong-cho-nhung-gi-o-cac-ban-khi-ra-truong-2

Kiến trúc sư ngày nay đã và đang đóng góp hiệu quả vào công cuộc xây dựng đất nước khi mà cả Việt Nam đang là một “đại công trường”.

Tuy nhiên, thực tế đang đặt ra hiện nay là số lượng kiến trúc sư rất nhiều nhưng chất lượng đáp ứng nhà tuyển dụng, các doanh nghiệp thì không nhiều. Đối với các nhà tuyển dụng, kiến trúc sư mới ra trường để trở thành một kiến trúc sư thật sự, có thể làm chuyên môn tốt còn cần rất nhiều thời gian để hòa nhập và làm được việc.

Gần 100% doanh nghiệp, đơn vị tuyển dụng phải bỏ kinh phí hoặc mất thời gian đào tạo lại cho kiến trúc sư mới ra trường. Đó cũng chính là lý do tại sao doanh nghiệp, các đơn vị tuyển dụng thờ ơ với sinh viên mới ra trường.

Là sinh viên kiến trúc, trong cùng một môi trường học tập, hầu hết các bạn sinh viên (nhất là sinh viên năm 1 còn non nớt) đều chưa định hướng rõ rệt sau này công việc mình định làm là gì. Trong thực tế, sinh viên kiến trúc ra trường sẽ có nhiều hướng đi khác nhau:

  • Kiến trúc sư nghiên cứu (làm cho các viện nghiên cứu, các tổ chức nghiên cứu, các trường cao đẳng, đại học)
  • Kiến trúc sư chủ trì thiết kế, triển khai bản vẽ (làm cho các doanh nghiệp)
  • Kiến trúc sư quản lý dự án
  • Tự thành lập doanh nghiệp

Dù sau này ra làm gì, để ra trường có thể hòa nhập vào môi trường làm việc ngay và bắt kịp với kiến trúc sư đã có nhiều kinh nghiệm, mỗi sinh viên khi đang ngồi trên ghế nhà trường cần tự trau dồi và đáp ứng những tiêu chí của nhà tuyển dụng. Đó là những gì? Mời các bạn xem bài viết bên dưới nhé.

ĐẦU TIÊN, CÁC BẠN SINH VIÊN KIẾN TRÚC CẦN TRANG BỊ KIẾN THỨC

sinh-vien-kien-truc-cac-nha-tuyen-dung-mong-cho-nhung-gi-o-cac-ban-khi-ra-truong-6

Học Kiến Trúc mà không có kiến thức thì ăn đầu b… Ý PICS là ăn gạch vào đầu á ?

Dù làm việc theo định hướng nào, công việc thực tế đều đòi hỏi khả năng vận dụng kiến thức chuyên môn đã học vào công việc thực tiễn, khả năng tự nghiên cứu phát huy tính sáng tạp chủ động trong công việc. Kiến thức chuyên môn cơ bản của chuyên ngành kiến trúc có thể chia làm 2 loại:

  • KIẾN THỨC CỨNG (mang tính quyết định): nắm vững các nguyên lý thiết kế, nguyên ký cấu tạo để thiết kế các công trình kiến trúc, quy hoạch; đọc, hiểu và triển khai ý đồ, bản vẽ kỹ thuật đúng, đầy đủ, chính xác theo quy định (đặc biệt cần đối với kiến trúc sư chủ trì và triển khai thiết kế).
  • KIẾN THỨC MỀM (mang tính bổ trợ): vật lý kiến trúc, hình họa, kinh tế xây dựng, kỹ thuật điện, nước…

KIẾN THỨC CỨNG

Có thể được tich lũy trong suốt quá trình học tập tại trường đại học (trong quá trình học, làm bài tập, đồ án môn học) và quá trình thực tập tại các xưởng, các công ty kiến trúc. Các kiến thức này cần được sinh viên chú ý ngay từ khi mới bắt đầu bắt tay vào đồ án chuyên ngành đầu tiên.

Sinh viên cần tham khảo các đồ án đã có, tìm hiểu các công trình thực tế xem một hồ sơ kỹ thuật sẽ được triển khai như thế nào.

Hiện nay, hầu hết trong các đồ án sinh viên vẫn tự bằng lòng với mức độ triển khai ý tưởng bao gồm các bản vẽ mặt bằng, mặt cắt ở mức đơn giản đến sơ lược. Chính vì vậy khi ra làm thực tế, hầu hết các kiến trúc sư mới ra trường gặp rất nhiều khó khăn, gặp nhiều sai sót hoặc thậm chí không thể triển khai hồ sơ kỹ thuật của một công trình dù là đơn giản nhất.

KIẾN THỨC MỀM

Trong công việc thực tế, kiến trúc sư nắm giữ vai trò khá quan trọng, vừa chủ trì về kiến trúc (quy hoạch) vừa khớp nối các bộ môn khác (điện, nước, kết cấu…) với nhau nên kiến thức mềm luôn đóng vai trò bổ sung, hỗ trợ cho kiến trúc sư trong nghề nghiệp, giúp kiến trúc sư sáng tạo, và chủ động hơn trong công việc.

THỨ HAI LÀ KỸ NĂNG

sinh-vien-kien-truc-cac-nha-tuyen-dung-mong-cho-nhung-gi-o-cac-ban-khi-ra-truong-7

Nói chứ kỹ năng đàm phán là rất QUAN TRỌNG nha mấy bạn

“Đàm phán” như trong hình minh họa thì cạp đất mà ăn ?

Trong thời đại phát triển hiện nay, khi nền kinh tế tri thức được đề cao, các kỹ năng làm việc luôn được đặt lên hàng đầu vì chúng mang tính hỗ trợ và quyết định sự thành công trong công việc của mỗi kiến trúc sư. Các kỹ năng hỗ trợ chuyên môn cho kiến trúc sư bao gồm:

  • KỸ NĂNG CỨNG: khả năng sử dụng thành thạo các phần mềm tin học chuyên ngành: Autocad, Photoshop, 3D MAX, Revit, Powerpoint…
  • KỸ NĂNG MỀM: kỹ năng thuyết trình báo cáo, kỹ năng tư duy, quan sát, sáng tạo, chủ động trong công việc, kỹ năng làm theo nhóm, khả năng quản lý công việc, kỹ năng ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp.

KỸ NĂNG CỨNG

Kỹ năng cứng ở đây là yêu cầu tối thiểu cho một kiến trúc sư mới ra trường. Hiện nay, 100% các doanh nghiệp, các đơn vị tuyển dụng yêu cầu kiến trúc sư khi làm việc phải thành thạo các phần mềm như Autocad, Photoshop, 3D MAX. Có thể nói đây là điều kiện tiên quyết để được tuyển dụng.

KỸ NĂNG MỀM

Đặc biệt, ngành kiến trúc là một ngành đặc thù chuyên về hoạt động tư vấn, việc giao dịch, thuyết trình dẫn tới thuyết phục các khách hàng, các chủ đầu tư, các sở ban ngành liên quan. Các kỹ năng mềm giúp các kiến trúc sư nhanh chóng đáp ứng được yêu cầu công việc, đảm bảo được khả năng thành công của dự án và khả năng phát triển nghề nghiệp trong tương lai.

CUỐI CÙNG LÀ THÁI ĐỘ LÀM VIỆC

sinh-vien-kien-truc-cac-nha-tuyen-dung-mong-cho-nhung-gi-o-cac-ban-khi-ra-truong-5

Trong bất cứ một công việc nào dù nhỏ hay lớn, thái độ làm việc phản ánh rất nhiều năng lực và tính cách của mỗi cá nhân.

Thái độ làm việc khi mới tham gia công việc cần nhất là tính chuyên nghiệp cao, được thể hiện qua tinh thần cầu tiến, ham học hỏi, không ngại khó, dám chịu trách nhiệm của mỗi kiến trúc sư.

Thái độ làm việc trước hết quyết định sự thành công của chính công việc được giao và sau đó quyết định sự thành công (vị trí, mức lương) trong công việc của chính các kiến trúc sư.

Mỗi sinh viên kiến trúc khi đã chuẩn bị đầy đủ những kiến thức, kỹ năng và thái độ làm việc phù hợp dù có làm việc trong môi trường nào, công việc nào, đúng chuyên ngành hay phải làm trong một vị trí không phù hợp thì những tiêu chí này vẫn là những chìa khóa quan trọng dẫn đến thành công cho bất kỳ sinh viên kiến trúc nào trong tương lai.